Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử

Thu Hằng| 09/08/2022 07:29

(HNM) - Năng lượng nguyên tử đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các kết quả ứng dụng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chuẩn bị một ca chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).

Chưa xứng với tiềm năng

Những năm qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện các bệnh viện lớn đã đủ điều kiện ứng dụng các kỹ thuật cơ bản ở cả 3 lĩnh vực: Điện quang, y học hạt nhân, xạ trị. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư và các bệnh hiểm nghèo, như: Thần kinh, tim mạch, tiêu hóa. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng thành công kỹ thuật điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ Y-90. Bên cạnh đó, việc triển khai kỹ thuật xạ trị áp sát không chỉ điều trị ung thư cổ tử cung, mà còn điều trị ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản tại Bệnh viện Bạch Mai…  

Theo Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cả nước đã có 42 cơ sở y học hạt nhân phát triển đến tuyến tỉnh, 61 thiết bị xạ hình, 44 cơ sở xạ trị với 101 thiết bị xạ trị, gần 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh có thiết bị X-quang y tế với 9.000 thiết bị, gần 1.000 máy CT và 500 máy chụp cộng hưởng từ đã được trang bị đến bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện. Việt Nam cũng đã tạo và đưa vào sản xuất được 80 giống cây trồng đột biến, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập và sinh kế cho nông dân.

Chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam có sự phát triển nhanh, với 9 cơ sở chiếu xạ quy mô công nghiệp. Đặc biệt, trong soi chiếu an ninh hải quan, việc sử dụng bức xạ tia X có mức năng lượng lớn phát ra từ các máy gia tốc đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác này, cho phép kiểm tra chính xác hành lý, hàng hóa xuất nhập cảnh, tiết kiệm thời gian, chi phí kho bãi. Hơn 1.000 hệ thống thiết bị đo hạt nhân đã được sử dụng trong các ngành sản xuất: Dầu khí - hóa chất, sắt thép, 
giấy - bao bì, bia rượu - nước giải khát, xi măng...

Tuy nhiên, các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi của thực tiễn. Hiện tại, cơ sở vật chất của các đơn vị ứng dụng bức xạ y tế còn nghèo nàn, chưa đồng bộ. Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, các ứng dụng của lĩnh vực y khoa hạt nhân là lĩnh vực mới, khó và hầu hết các thiết bị chẩn đoán, điều trị đều rất đắt tiền, trong khi Việt Nam chưa tự sản xuất được. Đây là một khó khăn, cản trở cho việc ứng dụng năng lượng bức xạ trong y tế.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11-5-2022 đã xác định: “Nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử, công nghệ hạt nhân và bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các giải pháp bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân, đặc biệt là trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và môi trường” là một trong những định hướng chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.

Để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu nảy sinh trong cuộc sống, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác liên ngành chặt chẽ hơn nữa cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đóng góp từ các tổ chức khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, nhất là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)...

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

“Bộ cũng chuẩn bị ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở để xây dựng, phê duyệt dự toán và quản lý kinh phí quy hoạch và 5 hợp phần quy hoạch, đóng góp quan trọng và thiết thực cho ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Xuân Định thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.