(HNMO) - Chiều 29-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Thái Nguyên đến các tỉnh, thành phố được Chính phủ chọn thí điểm triển khai Đề án 06.
Tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố.
Hà Nội hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã phát biểu thảo luận về kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.
Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong hơn 8 tháng triển khai Đề án 06, Hà Nội đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến trên các lĩnh vực. Đồng thời, thành phố đã thu nhận hơn 6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, hơn 3,5 triệu hồ sơ định danh điện tử; cập nhật 13.598.999 dữ liệu thông tin tiêm chủng; cập nhật 472.096 thông tin công dân diện chính sách trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thành phố hiện có gần 5 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh; có 503 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám, chữa bệnh; đã có 56.710 lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, thành phố tiếp tục đặt ra các mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ hơn nữa các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố tập trung cao điểm công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố - những lợi ích mà Đề án 06 đem lại cho đời sống người dân. Đồng thời, thành phố triển khai các giải pháp để thúc đẩy công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
“Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện và xây dựng các cơ sở dữ liệu như an sinh xã hội, y tế, hộ tịch, người có công, đất đai. Đây là các dữ liệu phục vụ các vấn đề dân sinh cấp thiết đối với người dân; quá trình xây dựng được thực hiện theo đúng yêu cầu của bộ, ngành chủ quản để đảm bảo các trường dữ liệu khai thác, đồng thời kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư”, đồng chí Lê Hồng Sơn thông tin.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao 11 ý kiến phát biểu; đồng thời, hoan nghênh các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh… là những địa phương đi đầu thí điểm triển khai các phần việc cụ thể của Đề án 06 trong thời gian qua để phục vụ người dân được tốt hơn.
Nhấn mạnh về 27 nhóm nội dung trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho các bộ, ngành, địa phương liên quan khi triển khai thực hiện Đề án 06, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần đẩy nhanh tốc độ triển khai từng phần việc cụ thể, làm sao để cơ sở dữ liệu của các ngành, tỉnh, thành liên quan đến người dân phải là dữ liệu dùng chung của Chính phủ. Trong đó, cần thực hiện việc đồng bộ cơ sở dữ liệu trong hai lĩnh vực quan trọng là tư pháp và công an để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú nêu rõ, sổ hộ khẩu được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31-12-2022. Theo đó, từ ngày 1-1-2023, cả nước sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp để giải quyết các thủ tục hành chính cho thuận tiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ liên thông dữ liệu dùng chung của công dân; cấp chữ ký số; hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, tiếp tục “làm sạch” dữ liệu dân cư về tiêm chủng, sổ sức khỏe điện tử, về tư pháp…
Nêu thực tế việc triển khai Đề án 06 tại một số địa phương còn gặp khó khăn vì nhiều yếu tố khác nhau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.