(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thành công chương trình sản xuất và tiêu thụ chè sạch, an toàn tại một số huyện, đã khẳng định hiệu quả kinh tế - xã hội đối với các xã miền núi.
Mô hình chè VietGAP Long Phú, Quốc Oai. |
Chè sạch theo mô hình VietGap
Thôn Long Phú, xã Hòa Thạch vốn là vùng chè nổi tiếng của huyện Quốc Oai, tuy nhiên, do không được quan tâm chăm sóc nên năng suất và chất lượng chè thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Long Phú Lê Đình Long cho biết: Phần lớn các nương chè tại Long Phú được trồng từ năm 1988 đến nay đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương.
Để khôi phục lại sản xuất chè, năm 2012, Long Phú bắt đầu triển khai mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp thực hiện. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Long Phú có trên 10ha sản xuất chè sạch, trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các công ty sản xuất chế biến chè. Sản xuất chè theo mô hình VietGAP cho năng suất chè khô trung bình đạt 1,5 tấn/ha/năm, giá trị đạt 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà.
Không chỉ thôn Long Phú, chương trình sản xuất và chế biến chè sạch an toàn còn được triển khai tại nhiều xã, HTX của Hà Nội. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng cho biết: Thực hiện Chương trình sản xuất chè sạch, an toàn, trong 5 năm qua, Hà Nội đã phát triển trồng mới 357ha chè tại vùng đồi gò Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên; hỗ trợ chăm sóc 240ha chè trồng mới năm thứ hai và phát triển thâm canh chè an toàn được 160ha tại các xã miền núi.
Kết quả, các mô hình thâm canh đã giúp giảm chi phí sản xuất. Nông dân biết lựa chọn những loại thuốc đặc hiệu an toàn ít độc hại và giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2-3 lần/năm, tăng năng suất từ 8-10%, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm 15-20%. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hỗ trợ các địa phương phát triển chăm sóc, thâm canh chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được 110ha tại các xã Yên Bài, Ba Trại (huyện Ba Vì), Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Hòa Thạch (huyện Quốc Oai). Nhờ tham gia các mô hình, cơ cấu giống chè đã chuyển dịch đáng kể, các giống chè năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên,... đã được đưa vào sản xuất. Thông qua chương trình đã làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ của nông dân, góp phần bảo vệ môi trường.
Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Với mục tiêu đưa cây chè trở thành cây trồng chính, chủ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tính bền vững và dần thay đổi bộ mặt nông thôn tại các vùng trung du và miền núi, Trung tâm Phát triển cây trồng đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè sạch và tăng cường xúc tiến thương mại. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng hai nhãn hiệu tập thể “Chè Long Phú” cho HTX Long Phú, Quốc Oai và “Chè Bắc Sơn” của Sóc Sơn. Toàn thành phố đã có 3.059ha chè, tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Trồng chè có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Phát triển chè sẽ thu hút được lượng lao động đáng kể, không những trong khâu sản xuất nguyên liệu mà cả khâu chế biến và tiêu thụ. Do vậy phát triển chè ngoài ý nghĩa kinh tế còn góp phần ổn định đời sống và định cư cho người dân do sử dụng nhiều lao động tại chỗ để chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất chè thành phẩm bình quân của thành phố đạt 3-3,2 tấn/ha và mang lại hiệu quả kinh tế 300-350 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn so với những năm trước 100-180 triệu đồng/ha/năm; Qua đó thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chè của nhân dân thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.