Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành

Tuấn Việt| 24/05/2016 06:32

(HNM) - Tăng cường áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông đô thị được coi là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này.

Điểm trông giữ xe ô tô bằng giàn thép tại Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Kết quả chưa như mong đợi

Với hơn 8 triệu dân, dù đã nỗ lực phát triển giao thông công cộng, triển khai các dự án mới nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra vào giờ cao điểm.

Khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, dù hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, song vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai, cùng với việc triển khai chương trình mục tiêu của thành phố về giảm ùn tắc giao thông, thực hiện Luật Thủ đô, nhiều nội dung như đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô, thông tin cảnh báo sớm về tình trạng giao thông được thực hiện thông qua VOV giao thông; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chạy xe GPS cho các phương tiện vận tải hành khách… đã triển khai, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Song kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Mỗi tháng có 6.000-8.000 xe ô tô đăng ký mới, trong khi các điểm trông giữ xe ô tô lại phát triển rất chậm. Theo số liệu của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội có gần 300.000 ô tô các loại, nhưng chỉ có khoảng hơn 200 điểm đỗ xe công cộng. Những năm gần đây, thành phố đã xây mới các điểm đỗ xe nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân.

Trước áp lực về điểm đỗ, trên nhiều tuyến phố, lòng đường, vỉa hè đã được tận dụng để trông giữ xe. Việc này được cho là tiện lợi do không phải đầu tư cơ sở vật chất, chỉ việc cắm biển, kẻ ô vạch sơn là có thể kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng này dẫn đến hiện tượng lòng đường bị lấn chiếm, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, gây ùn tắc giao thông, thậm chí gây tai nạn giao thông.

Áp dụng công nghệ cao trong quản lý

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 62 dự án xây dựng bãi đỗ xe trên địa bàn với tổng diện tích 2.591.965m2, trong đó đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án, quyết định giao đất 11 dự án. Thành phố cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác 9 dự án gồm: Bãi đỗ xe Gia Thụy, quận Long Biên; bãi đỗ xe Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng; bãi đỗ xe phường Láng Thượng, quận Đống Đa; bãi đỗ xe trên mương Nghĩa Đô; bãi đỗ xe đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy; bãi đỗ xe phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; bãi đỗ xe tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì; bãi đỗ xe Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng; bãi đỗ xe và khu dịch vụ tại ô đất 11.5HH đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân.

Dù vậy, cách làm này tốn diện tích rất lớn. Một giải pháp khác đang được Hà Nội triển khai khá hợp lý là áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; xây dựng những điểm trông giữ xe ô tô nhiều tầng. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi phải đầu tư lớn, mặt khác để xin được giấy phép xây dựng cũng không dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. Từ khi có Nghị quyết 07/2013/NQ-HĐND về chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, mới có Tổng công ty Vận tải Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng giàn thép đỗ xe cao tầng.

Để mô hình này phát triển nhanh, một số doanh nghiệp cho rằng, cần cơ chế chuyển từ phí sang giá, vì mức đầu tư các điểm đỗ xe rất lớn và doanh nghiệp cần thu hồi vốn cho dự án. Thứ hai, sau khi đi vào hoạt động cần phối hợp các lực lượng chức năng để hạn chế thấp nhất các phương tiện đỗ không đúng nơi quy định. Điều này góp phần giảm áp lực ùn tắc và lành mạnh hóa hoạt động trông giữ xe.

Cùng với khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải, các cấp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, thực hiện các chính sách ưu tiên trong phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích, huy động đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên địa bàn thành phố. Sở Giao thông - Vận tải cũng cần tập trung đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đầu tư công trình giao thông, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành giao thông, vận tải. Cùng với tuyên truyền, vận động hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thành phố cần tiếp tục nâng cấp, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, nhất là hạ tầng kỹ thuật. Có như vậy, mới giảm áp lực về giao thông Thủ đô. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.