(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU (ngày 1-10-2021) về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, mục tiêu của Chỉ thị số 07-CT/TU là thông qua việc đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm
- Đồng chí có thể đánh giá đôi nét về công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua?
- Những năm qua, công tác dân vận của cơ quan nhà nước đã được thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm về thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp ngày càng nâng lên. Từ đó, đã phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp thuộc thành phố vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao. Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Công tác nắm tình hình tư tưởng dư luận nhân dân, tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa có cải thiện nhiều…
Nguyên nhân của những hạn chế là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với cơ quan nhà nước nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm “xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”…
Từ thực tiễn này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, qua đó tăng cường niềm tin, sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, Chỉ thị số 07-CT/TU đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?
- Tại Chỉ thị số 07-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TƯ ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội…
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ủy tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hằng năm; gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, coi việc thực hiện công tác dân vận chính quyền là tiêu chí quan trọng trong đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, sẽ thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; xử lý kịp thời, hiệu quả thông tin phản ánh liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân…
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận
- Đối với việc triển khai công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặt ra những yêu cầu gì, thưa đồng chí?
- Tại Chỉ thị số 07-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu cơ quan nhà nước các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận, thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về việc phân công chủ tịch UBND các cấp, lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phụ trách công tác dân vận của chính quyền và các quy định của pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Chỉ thị cũng yêu cầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chú trọng các vấn đề liên quan đến dân sinh; bảo đảm mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Song hành với đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình; thực hiện quan điểm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền...
Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh cải cách tư pháp; chú trọng công tác hòa giải, đối thoại; tập trung nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở...; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả. Tiếp tục tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý, điều hành; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; quan tâm xây dựng Quy chế dân chủ trong các loại hình mới gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị…
- Đồng chí có thể cho biết, việc đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường thanh tra, giám sát phản biện được nêu tại Chỉ thị số 07-CT/TU sẽ được thực hiện như thế nào?
- Để thực hiện nghiêm Chỉ thị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; nắm chắc tình hình nhân dân, vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; tổ chức đối thoại giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân… qua đó phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Ban Thường vụ Thành ủy sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, kết quả công tác dân vận tại các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh việc tự kiểm tra, đánh giá trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác dân vận; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, người đứng đầu các cơ quan nhà nước, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.