(HNM) - Trong điều kiện hạn hẹp về ngân sách, để có 2.000km đường cao tốc vào năm 2020, không cách nào khác là phải đẩy mạnh thực hiện các cơ chế PPP (hợp tác công - tư), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)...
Đã rõ hiệu quả
Tại buổi lễ thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng diễn ra ngày 5-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, phấn đấu hoàn thành 600km đường cao tốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã thực hiện được 710km. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Bộ GT-VT và các đơn vị liên quan. Các tuyến cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đã thực sự là "xung lực" mạnh mẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước nói chung và các địa phương nơi dự án đi qua nói riêng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Mạnh Thắng |
Hiệu quả từ các tuyến cao tốc là không thể phủ nhận. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài hơn 105km cho phép xe chạy với tốc độ thiết kế 120km/h, khi đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn 1 giờ và giảm tải cho quốc lộ 5, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Song, quan trọng hơn thế, việc đầu tư tuyến cao tốc này sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ là Cầu Giẽ - Ninh Bình (dài 56km) có lưu lượng bình quân 15.000 - 20.000 lượt xe/ngày đêm, tiết kiệm 15% chi phí vận tải so với lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ. Với tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài - Lào Cai (245km), lưu lượng phương tiện trung bình 14.000 lượt xe/ngày đêm, mức tăng trưởng lưu lượng đạt 40% và nếu so với thời điểm bắt đầu đưa toàn bộ dự án vào khai thác (tháng 10-2014) tăng trưởng lưu lượng xe đến nay đạt 76%. Tuyến đường cao tốc này đã giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội tới Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, tiết kiệm 20-30% chi phí vận tải; ước tính mỗi năm tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng. Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (dài 55km) có lưu lượng xe bình quân hơn 27.000 lượt/ngày. Việc lưu thông trên tuyến cao tốc này tiết kiệm được 30% chi phí so với đi theo lộ trình xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 51. Ngoài ra, các dự án cũng đưa lại các lợi ích không thể định lượng bằng tiền, như giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Đa dạng giải pháp huy động vốn
Quyết tâm của Chính phủ đến năm 2020 sẽ có 2.000km đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp. Nhưng, với cơ chế huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội bằng các hình thức phù hợp sẽ có khả năng thực hiện đạt và vượt mục tiêu để thực sự tạo đột phá, là "xung lực" cho xây dựng, phát triển KT-XH của đất nước. Việt Nam sẽ tạo mọi cơ chế thông thoáng, hấp dẫn nhất để khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng.
Mục tiêu đã rõ, nhưng để biến mục tiêu thành hiện thực vẫn đang là một thách thức lớn, bởi để hoàn thành 2.000km cao tốc, Bộ GT-VT phải huy động được 400.000-500.000 tỷ đồng từ các nguồn lực ngoài ngân sách - một con số khổng lồ. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, để đạt được mục tiêu, Bộ đã sớm xây dựng các chương trình thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau và đưa ra giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao. Thứ nhất, nguồn vốn ODA cũng như nguồn vốn vay tín dụng từ các tổ chức tín dụng thế giới. Thứ hai, tiếp tục chọn những đoạn tuyến có lưu lượng xe lớn để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT hoặc PPP. Hiện nay, hai giải pháp này đã có thuận lợi lớn bởi hành lang pháp lý đã cơ bản đầy đủ. Đây sẽ là điều kiện rất tốt để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam. Bộ GT-VT đã nhận được rất nhiều đăng ký của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức tín dụng thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay JICA (Nhật Bản)… Một hướng quan trọng khác mà Bộ GT-VT đang chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện là tính toán bán một số cao tốc đang quản lý để có vốn quay vòng đầu tư làm đường khác. Bởi, nếu không thay đổi tư duy, chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu chính phủ thì mục tiêu hoàn thành 2.000km sẽ không thể thực hiện được.
Theo ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC, doanh nghiệp này sẽ chào bán cả 5 dự án cao tốc do Tổng công ty thực hiện gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành; TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong đó, hai dự án có thể thu hút đầu tư nhất là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành vì có lưu lượng phương tiện khá lớn. Nguồn vốn thu lại sẽ tái đầu tư vào các dự án cao tốc trọng điểm khác, như tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Bến Lức - Long Thành… Trong khi đó, ông Đào Văn Chiến, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, doanh nghiệp cũng đang trong quá trình thương thảo bán quyền khai thác tuyến cao tốc vừa hoàn thành là Hà Nội - Hải Phòng cho các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ. Kinh nghiệm và nguồn tài chính thu được từ dự án này sẽ được nghiên cứu để tham gia đầu tư các dự án khác.
Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, cả nước có 22 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 5.873km. Trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.262km. Khu vực phía Bắc gồm 7 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 1.099km, cụ thể các tuyến như sau: Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh dài 130km; Hà Nội - Hải Phòng dài 105km; Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai dài 264km; Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái dài 294km; Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 90km; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình dài 56km; Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 160km… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.