(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT (ngày 28-9-2022) về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai thực hiện công văn, các cơ quan chức năng cùng với các địa phương của thành phố đang vào cuộc đồng bộ, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ:
Kiểm tra toàn diện diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường
Để bảo đảm khai thác, sử dụng, quản lý hiệu quả đất đai cho quá trình phát triển đô thị Hà Nội bền vững, hằng năm UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố Hà Nội nghị quyết về danh mục công trình, dự án thu hồi đất; danh mục công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện... Căn cứ vào các nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội và Công văn số 3195/UBND-TNMT của UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, rà soát những dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; kiểm tra toàn diện diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong giao đất, cho thuê đất.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái:
Ngăn chặn trường hợp san ủi đồi núi, lấp hồ ao để phân lô, bán nền
Trên cơ sở Công văn số 3195/UBND-TNMT của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; điều tra, đánh giá, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tập trung nguồn lực bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Làm rõ trách nhiệm cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ
Thời gian tới, quận Hoàng Mai sẽ tập trung rà soát tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch đất đai; sắp xếp, bố trí hợp lý việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu...; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn:
Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát
Những năm qua, huyện Quốc Oai tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các chương trình quản lý đất đai theo phương châm “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; nêu cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong thực hiện. Bên cạnh đó, huyện xây dựng lộ trình thực hiện cho từng nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ của Thành ủy, UBND thành phố; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát, nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về ý nghĩa, vai trò công tác quản lý đất đai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Việt Hùng, phố Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Cần xem xét lại nếu phá vỡ quy hoạch cơ sở hạ tầng
Đợt sốt đất vừa qua đã cho thấy, phân lô bán nền trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các đối tượng đầu cơ nhưng lại để lại nhiều “di chứng” nặng nề cho thị trường bất động sản và chính những nhà đầu tư. Việc phân lô bán nền nếu phù hợp quy hoạch của địa phương thì không sai, nhưng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, làm gia tăng dân số, tạo áp lực và phá vỡ quy hoạch cơ sở hạ tầng thì cần xem xét lại. Do đó, việc phân cấp, quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương trong việc quản lý nhà nước về đất đai là cần thiết. Thực tế, phân lô bán nền chỉ là một bộ phận nhỏ, không đại diện cho toàn bộ thị trường bất động sản. Nhưng ở góc độ kinh tế, nguồn tiền đổ vào đầu tư đất nền là tiền “chết”, làm cho nền kinh tế trì trệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.