(HNM) - Là kênh mua sắm hiệu quả với chi phí thấp, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, kém chất lượng..., do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến, đồng thời cũng tạo cơ hội để không ít đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng cấm... trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok. Nhằm lẩn tránh cơ quan chức năng, các đối tượng vi phạm không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ ảo, liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên website, chuyển đổi tài khoản mạng xã hội trong quá trình kinh doanh, buôn bán.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Đơn vị nhận được nhiều thông tin khiếu kiện của người dân về chất lượng hàng hóa khi mua hàng trực tuyến. Song việc xử lý không dễ dàng vì phải chứng minh được hành vi vi phạm với sự việc, con người và món hàng cụ thể. Chưa kể, hầu hết các giao dịch đều không có hóa đơn, chứng từ khiến việc xử lý càng thêm khó khăn; việc xác định đối tượng vi phạm cũng không dễ vì thường giao nhận hàng hóa thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh...".
Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã lập Tổ công tác về thương mại điện tử. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý một số đường dây, ổ nhóm kinh doanh hàng giả, hàng nhái quy mô lớn trên môi trường internet. Trong vụ việc tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cuối năm 2020, qua 6 tháng điều tra, theo dõi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã triệt phá tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 với cả trăm đơn hàng trên mạng internet mỗi ngày.
Hay mới đây, lực lượng công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã kiểm tra, phát hiện bên trong một kho xưởng rộng 600m2 tại phường Tân Biên có 20 người đang bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội. Sản phẩm bán ra là hàng lậu thuộc nhóm mỹ phẩm, dược phẩm... với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý hàng loạt “tổng kho”, cửa hàng vừa kinh doanh tại chợ và cửa hiệu, vừa bán hàng trên mạng tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), xã La Phù (huyện Hoài Đức), cảng ICD Mỹ Đình…
Là người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chị Huỳnh Ngọc Phương (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh chân chính, không ít người bán hàng trên mạng dùng thủ đoạn treo đầu dê, bán thịt chó. Do đó, tôi phải thận trọng hơn khi mua hàng trực tuyến”.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới đi liền với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Vì vậy lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, xử lý một cách chuyên nghiệp, bài bản với hoạt động kinh doanh trên internet.
Song để đạt mục tiêu nêu ra, cần phải thành lập bộ phận chuyên trách chính thức về phòng, chống gian lận thương mại điện tử cùng với đổi mới trang thiết bị hiện đại hơn phục vụ cho nhiệm vụ đặc biệt này. Việc xử lý vi phạm trên môi trường thương mại phải giống như môi trường kinh doanh truyền thống, đồng thời quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi trong kiểm tra, giám sát. "Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ; triển khai sát hạch, kiểm tra thường xuyên trình độ kiểm soát viên để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường thương mại điện tử", ông Trần Hữu Linh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là trên thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng tập huấn, đào tạo hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.