(HNMO) - Thời gian qua, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã được hưởng ứng sôi nổi, khẳng định vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chất lượng công việc, hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Thủ đô Nguyễn Hồng Sơn để hiểu rõ thêm về phong trào này.
- Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”?
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi...”. Từ lời dạy của Bác, thành phố Hà Nội đã tích cực duy trì phát động và triển khai phong trào sáng kiến, sáng tạo Thủ đô.
Ngày 20-4-2021, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT về việc tổ chức phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai sâu rộng hoạt động sáng kiến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố; khuyến khích, động viên các cá nhân phát huy tính sáng tạo, đổi mới, có những hoạt động, mô hình, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động sáng kiến, sáng tạo.
Điểm nhấn của phong trào chính là khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến, giải pháp hữu ích của các tầng lớp nhân dân; chuyển trọng tâm thi đua, khen thưởng về cơ sở, động viên, khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và người lao động trực tiếp có thành tích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào là phát huy tối đa giá trị của những sáng kiến, kinh nghiệm từ cơ sở, nhân rộng đến các đơn vị, địa phương khác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của thành phố.
- Vậy, quá trình triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Qua triển khai, phát động, phong trào đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Đảng, đoàn thể, quản lý hành chính nhà nước, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế… được đông đảo đội ngũ người lao động tích cực hưởng ứng.
Đã có hàng chục nghìn sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở phục vụ trực tiếp hoạt động tại các cơ sở, đơn vị, trong đó, hằng năm có hơn 1.000 sáng kiến được công nhận về phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng ở cấp thành phố. Đây là những sáng kiến có hiệu quả thiết thực và tính lan tỏa rộng rãi, được nhân rộng trên các địa bàn khác nhau của thành phố. Nhiều mô hình sáng kiến đã được các tỉnh, thành phố trong nước học tập, đúc kết kinh nghiệm. Các sáng kiến này cũng làm căn cứ để đề xuất xét tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo quy định.
Phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã mang lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng ở tất cả các đơn vị, doanh nghiệp; góp phần tích cực, giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; cũng là động lực, kịp thời động viên, cổ vũ người lao động tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, phong trào vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế. Đơn cử như phong trào thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa đồng đều; số lượng sáng kiến ở một số ngành còn ít, chưa tương xứng với vị thế và vai trò của mình; việc nhân rộng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
- Để phong trào đạt kết quả tốt hơn nữa, theo ông, trong thời gian tới, cần tập trung vào những vấn đề nào?
- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, thì các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT ngày 20-4-2021 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố về việc tổ chức phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như sau:
Hằng năm, quán triệt, triển khai việc đăng ký sáng kiến đối với các cá nhân trong cơ quan, đơn vị; thực hiện có hiệu quả việc xét, công nhận sáng kiến tại cơ sở; đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến. Mỗi năm, mỗi cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội phấn đấu có từ 2 đến 3 sáng kiến, đề tài đề nghị Hội đồng sáng kiến thành phố xét, công nhận về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố. Đây là một trong những tiêu chí để xem xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và khen thưởng cấp Nhà nước.
Tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm kết quả lao động sáng tạo; tổ chức tuyên truyền, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân thuộc đơn vị thực hiện sáng kiến, như: Bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ.
Kết nối và lan tỏa sâu rộng các hoạt động sáng kiến của cơ quan, đơn vị với các phong trào sáng kiến, sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của trung ương và thành phố Hà Nội, như: Hội thi sáng tạo khoa học cấp thành phố và toàn quốc; Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec); phong trào “Đoàn kết sáng tạo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, phong trào “Lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động thành phố; “Festival sáng tạo trẻ” của Thành đoàn Hà Nội; cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng thành phố...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.