(HNM) - Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Trong đó, nền tảng là ứng dụng công nghệ cao, giúp nông dân tiếp cận, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác.
Thua thiệt nếu chậm ứng dụng công nghệ cao
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp. Ứng dụng này đã bước đầu giúp giảm chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Thành phố cũng đã thành công trong ứng dụng công nghệ cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đối với bò Australia. Kết quả đã tạo ra lứa bê đầu tiên có khả năng sinh sản và tốc độ sinh trưởng không thua kém ở nước bản địa...
Ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản. |
Tuy vậy, những ứng dụng trên còn manh mún và việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vẫn chưa thật sự được đầu tư bài bản. Đây được xem là thách thức lớn khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Tiến sĩ Phạm Văn Đại, chuyên gia kinh tế và chính sách đánh giá: Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nhiều khả năng thịt bò, gà, sữa, trái cây sẽ được nhập ồ ạt từ Hoa Kỳ, Australia, New Zealand vào Việt Nam. Trong số 12 nước tham gia TPP, Việt Nam là một trong những nước còn yếu kém về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều nước trong TPP sẽ có năng lực cạnh tranh về sản phẩm nông nghiệp vượt trội. Cuộc chiến cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong tương lai sẽ khốc liệt.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đề xuất các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí khuyến khích ứng dụng công nghệ cao đối với từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp. Các sản phẩm ưu tiên sản xuất ứng dụng công nghệ cao là rau màu, heo, bò sữa, bò thịt, hoa cây cảnh, tôm nước lợ... |
Nhiều chuyên gia cho rằng, là địa phương dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh cần có bước đi tiên phong để làm mô hình vận dụng trên phạm vi cả nước. Qua đó, tạo nền tảng để sản xuất nông nghiệp trong nước không thua thiệt trên sân nhà.
Chọn công nghệ phù hợp để chuyển giao
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ là đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà còn là công nghệ trong quản lý và vận hành nền sản xuất nông nghiệp. Theo ông Từ Minh Thiện, đây là điều kiện tiên quyết để nông sản Việt Nam “đề kháng” với cuộc “đổ bộ” nông sản từ bên ngoài cũng như tăng khả năng xâm nhập vào các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, cũng theo ông Thiện, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi những điều kiện nhất định, như lựa chọn công nghệ phù hợp với nền tảng, quy mô nền nông nghiệp và điều kiện sản xuất của người nông dân. Qua đó, phải có phương thức chuyển giao công nghệ cho người nông dân một cách hiệu quả. Để làm tốt khâu chuyển giao này, cần phải đặt ra mục tiêu, đối tượng sản xuất rõ ràng, đồng thời phải phù hợp với trình độ, tập quán cũng như kỹ năng của người nông dân. “Phương thức chuyển giao công nghệ có thể bằng nhiều mô hình khác nhau, nhưng phải bắt đầu bằng việc đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật vào tay người nông dân cũng như giúp nông dân vừa là chủ thể sản xuất vừa tham gia quy trình vận hành, quản lý chuỗi sản xuất đó”, ông Từ Minh Thiện nhấn mạnh.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu chính là hướng đến sản phẩm chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao với sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (thu mua, phân phối) và các đơn vị hỗ trợ công nghệ. Để tạo cơ chế vận hành mô hình này, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ những rào cản trong việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trong đó cần quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sao cho có sự gắn kết chặt chẽ. Theo đó, khu nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, còn vùng nông nghiệp công nghệ cao sẽ ứng dụng công nghệ đó vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, cũng như mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể; xây dựng các chuỗi liên kết dọc và liên kết ngang, nhằm tăng hiệu quả vận hành, quản lý chuỗi, cũng như kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.