(HNMO) - Ngày 7-12, tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm "Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn".
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nội dung về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Cụ thể, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ đã triển khai các chính sách phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Bộ đã tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhất là các sở công thương, nhằm xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội; lồng ghép vào những chương trình như cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hay những chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…
Cùng chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Masan MaetLife cho biết, doanh nghiệp đã rất nỗ lực kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, hệ thống trang trại chăn nuôi gà và lợn của Masan MeatLife đều đạt chuẩn GlobalGAP, như giống lợn chất lượng nhập từ Canada, thức ăn chăn nuôi từ nguồn của nhà máy đạt chuẩn GlobalGAP… Trang trại của Masan MeatLife ở Nghệ An, một năm có thể sản xuất ra 250 nghìn con lợn thịt đạt chuẩn. "Trang trại này được chọn là nguyên mẫu đầu tiên của chương trình chăn nuôi an toàn sinh học và khống chế dịch bệnh của IFC, chuẩn châu Âu cho Việt Nam”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, hiện Masan MeatLife có hơn 4.000 điểm bán. Mục tiêu đến năm 2026, doanh nghiệp này phát triển hơn 10.000 điểm bán phủ khắp 63 tỉnh, thành phố với mỗi xã, thị trấn sẽ có 1 điểm bán của WinMart+ và MEATDeli.
Song trên tổng thể, việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn hiện chưa đồng đều và toàn diện. Số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Để xây dựng mạng lưới và chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, theo bà Lê Việt Nga, cần có sự vào cuộc đều tay từ các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Đặc biệt, phải bảo đảm đồng bộ 3 yếu tố gồm: Hạ tầng thương mại, chất lượng thực phẩm được kinh doanh và người kinh doanh, cũng như người tiêu dùng tham gia mua bán thực phẩm.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cần chủ động kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để có thể xây dựng, ban hành chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.