(HNMO)- Đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại phiên thảo luận chiều 16-11, tuy nhiên các đại biểu cùng gặp nhau ở điểm việc sửa Luật cần tập trung vào những vấn đề đang gây vướng mắc sau thời gian 3 năm thực hiện Luật.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) |
Nêu ý kiến đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có tác động đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những Luật có đời sống ngắn nhất bởi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi bổ sung. Ngoài ra, một số quy định của Luật chưa bao quát được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi Luật lần này cần đánh giá toàn diện, sâu sắc, bao quát, đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo đó, cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tình trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Liên quan đến phạm vi sửa đổi, còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng chỉ sửa đổi bổ sung một số điều, một số ý kiến nêu cần sửa đổi toàn diện. Theo đại biểu quan trọng là chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi; tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc để thấy rằng có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển mà vì Nghị quyết đã quy định chỉ sửa đổi bổ sung một số điều mà không đưa vào phạm vi sửa đổi.
Đại biểu cho rằng cần tập trung thực hiện việc phân định bóc tách cụ thể hạn chế nào thuộc về cơ chế chính sách và thể chế pháp luật; hạn chế nào là do con người, do quá trình tổ chức thực hiện; thứ hai cần lắng nghe ý kiến từ bộ ngành địa phương, đặc biệt từ cơ sở. Riêng phần quản lý nguồn lực ODA cần lắng nghe ý kiến từ các nhà tài trợ. Ngoài ra, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hợp lý kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù, nhất là trong bối cảnh hội nhập kt quốc tế như hiện nay
Trong lần sửa đổi này nên sửa đổi điều gì? Trả lời cho câu hỏi này, nữ đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị tập trung vào 3 nhóm cụ thể là nhóm vấn đề về thể chế, chính sách, trong đó có bổ sung tiêu chí đánh giá dự án gắn với hiệu quả đầu ra. Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề thẩm quyền. Đại biểu nêu trên thực tế, việc thiếu vắng quy định thẩm quyền gây ra không ít những vướng mắc trong thực hiện như thẩm quyền sử dụng nguồn lực dự phòng ở bộ, ngành, địa phươg; thẩm quyền quyết định danh mục dự phòng sử dụng vốn ngân sách trung ương; thẩm quyền quyết định danh mục dự án; thẩm quyền kéo dài thời hạn giải ngân...
Nhóm thứ ba là quy định liên quan đến thời hạn giải ngân. Luật hiện hành cho phép kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm trong trường hợp cần thiết lên tới 5 năm. Quy định này là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng lãi suất tài sản và chưa phù hợp với môt số nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh sửa Luật theo hướng chỉ cho phép kéo dài thời hạn giải ngân tối đa 2 năm và nếu như không thực hiện nghiêm quy định này có thể thu hồi dự toán.
Đại biẻu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) |
Nêu quan điểm chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều đang gây vướng mắc mà sau thời gian 3 năm thực hiện Luật đầu tư công đã chỉ ra, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng tiền ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cũng đều là tiền ngân sách nhà nước nhưng quá trình thực hiện, phần ngân sách địa phương thực hiện đầu tư công do thẩm quyền địa phương quyết định dường như thuận lợi và không có vướng mắc nhưng phần ngân sách đầu tư công do trung ương phân bổ cho địa phương thì khó khăn và chậm. Đại biểu cho rằng đây là cái gốc của vấn đề.
Tiếp đó, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với ban soạn thảo đã đề xuất về phạm vi sửa đổi tập trung vào quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng dẫn đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm, Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức đầu tư vốn cho các bộ, ngành, địa phương kèm theo nhiệm vụ và tiêu chí nguyên tắc. Các đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo lại Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Đây là mấu chốt để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cùng quan điểm về việc đẩy mạnh phân cấp, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) tha thiết đề nghị việc sửa Luật lần này cần mạnh dạn phân cấp một cách toàn diện cho cấp dưới.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) |
"Cấp trên hãy dũng cảm thôi ôm, không ôm để phân cấp, giao quyền, giao trách nhiệm cho bên dưới. Cấp trên chỉ hướng dẫn kiểm tra thanh tra cấp dưới. Phân cấp làm sao để không còn cảnh một dự án di sản văn hoá trên 3 tỷ đồng mà một địa phương từ miền trung xa xôi ăn chực nằm chờ ngoài Hà Nội hàng năm trời mà vẫn chưa xong thủ tục đầu tư." - Đại biểu nêu.
Cũng theo đại biểu, việc sửa Luật cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước quy về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tồn tại cố hữu hiện nay trong quản lý ngân sách nhà nước ở nước ta hiện nay là Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý phân bổ chi đầu tư và Bộ Tài chính quản lý, phân bổ chi thường xuyên dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý ngân sách nhà nước. Từ đó, làm giảm hiệu quả chi ngân sách, sử dụng ngân sách phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi đầu tư và chi thường xuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.