Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học: Phục vụ phát triển Thủ đô

Đình Hiệp| 07/04/2023 07:07

(HNM) - Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và khoa học lý luận chính trị không chỉ phục vụ công tác tham mưu hiệu quả mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác này còn nhiều bất cập, từ cơ chế, chính sách đến quá trình thực hiện, cần sớm được tháo gỡ để góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đoàn kiểm tra số 2 Ban Chỉ đạo Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ngày 4-4. Ảnh: Đỗ Minh

Phục vụ đắc lực công tác tham mưu cho cấp ủy

Qua cuộc khảo sát của Đoàn công tác Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay và cuộc khảo sát của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc phối hợp tổng kết công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hà Nội, các cơ quan liên quan đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của công tác này. Cụ thể, việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, khoa học lý luận chính trị trực tiếp phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố trong sạch, vững mạnh.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đinh Thị Lan Duyên thông tin, chỉ riêng giai đoạn 2016-2022, đã có 145 đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy. Đặc biệt năm 2018, thành phố đã triển khai Chương trình số 20-CTr/TU về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

“Kết quả thực hiện 8 đề tài thuộc Chương trình số 20-CTr/TU đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để đánh giá toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; dự báo tình hình trong nhiệm kỳ Đại hội XVII; xác định định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đồng chí Đinh Thị Lan Duyên cho hay.

Nội dung các đề án, chuyên đề đều hướng vào giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong tình hình mới, các vấn đề phát sinh, nổi cộm, vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kết quả nghiên cứu của các đề án, chuyên đề đã cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đề tài khoa học, chủ trương, nghị quyết của Thành ủy.

“Các hoạt động nghiên cứu khoa học được đầu tư, tổ chức thực hiện công phu, sử dụng đồng bộ, hiệu quả các phương pháp nghiên cứu khoa học và sưu tầm, phân tích số liệu thống kê, đánh giá thực tiễn dựa trên những luận cứ khách quan, tin cậy và chính xác”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định cơ chế, chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, việc đăng ký thực hiện các đề tài khoa học chưa được thường xuyên, liên tục, chưa có tính chiến lược dài hạn...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, PGS.TS Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, thành phố Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó, có thể sử dụng tiêu chí tham gia nghiên cứu khoa học để lựa chọn trong việc bổ nhiệm, nâng lương của cán bộ, công chức, nhằm thu hút cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ sự phát triển của Thủ đô.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội phụ thuộc vào định mức giao đề tài nghiên cứu khoa học của Trung ương, trong khi thiếu đề tài mang tính đặc thù... Vì thế, thành phố đề xuất Trung ương cần có thêm cơ chế chính sách; trong đó, về mức chi cho cơ chế đặc thù nên phân cấp, ủy quyền cho thành phố, địa phương tự quyết định. “Nếu tất cả chung một khung do Trung ương quyết định thì đề tài nghiên cứu lớn giống như đề tài nhỏ, sẽ không phù hợp. Trên thực tế, giao kinh phí thấp cho đề tài lớn là không thể thực hiện được”, đồng chí Phạm Quí Tiên kiến nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thông qua các trường, cơ sở đào tạo của thành phố. Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp khơi thông Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và tạo cơ chế cho các chủ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nhằm từng bước hoàn thiện thị trường khoa học - công nghệ.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ của cả nước. Hằng năm, thành phố đã bố trí kinh phí cho sự nghiệp khoa học - công nghệ, bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, chương trình về khoa học - công nghệ, với dự toán không thấp hơn chỉ tiêu Trung ương giao. Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố. Các kết quả nghiên cứu đều có đóng góp xứng đáng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học: Phục vụ phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.