(HNM) - Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang thu hút mối quan tâm của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội...
Một lễ cưới với tiệc trà, tiệc ngọt. Ảnh: Mạnh Hà |
Cải thiện đã nhiều nhưng còn lãng phí
Cách đây nhiều năm, đám tang ở làng Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) thường là dịp tụ tập ăn uống linh đình, gây phiền hà và tạo áp lực kinh tế cho gia chủ. Nhằm thay đổi điều này, người cao tuổi trong làng đã họp bàn, thống nhất phá bỏ lệ cũ. Người dân chỉ đến phúng viếng, tiễn đưa người quá cố chứ không dự cỗ bàn. Cùng với đó, rất nhiều đổi mới khác cũng được áp dụng ở Nhân Hòa nhằm góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở địa phương.
Nếp sống văn minh trong việc tang là điều cũng có thể nhận ra ở nhiều địa phương khác. Nhiều nơi đưa nội dung này vào hương ước, quy ước; tổ chức tuyên truyền, vận động đẩy lùi hủ tục; quy hoạch nghĩa trang; khuyến khích hỏa táng với chính sách hỗ trợ tích cực... Kết quả là tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan… được cải thiện rõ rệt. Hủ tục như lăn đường, khóc mướn, cờ bạc hầu như không còn. Tỷ lệ hỏa táng trên toàn thành phố ước đạt 55%.
Không chỉ việc tang, việc cưới theo nếp sống văn minh ở Hà Nội cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong 5 năm qua, toàn thành phố có hơn 90% đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, các nghi thức rườm rà, lạc hậu cơ bản không còn. Mô hình “Đám cưới điểm”, “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”… được triển khai thành công ở nhiều địa phương. Như huyện Đan Phượng, sau nhiều năm bền bỉ vận động, từ 10 “Đám cưới điểm” đầu tiên, đến nay, mô hình này đã được 1.000 đôi uyên ương áp dụng. Tại huyện Mê Linh, sau 5 năm áp dụng mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới” với gần 600 cặp đôi đăng ký, một số tiền lớn tiết kiệm được từ việc tổ chức cưới văn minh đã giúp các gia đình trẻ không lâm vào cảnh nợ nần, có vốn để làm ăn.
Dù đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng việc cưới, việc tang ở Hà Nội vẫn còn không ít điểm hạn chế. Theo ông Ngô Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở VH-TT Hà Nội), sức lan tỏa mô hình cưới tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể chưa được như kỳ vọng; vẫn còn không ít đám cưới xa hoa, dài ngày… Đối với việc tang, các hiện tượng như sử dụng nhiều vòng hoa viếng, mở nhạc hiếu quá lớn, gây cản trở giao thông khi đưa tang, coi việc báo hiếu là phải xây mộ to... vẫn còn, nhất là tại khu vực ngoại thành. Nhiều nơi, do thiếu hướng dẫn cụ thể nên còn lúng túng trong việc xác định như thế nào là hủ tục, việc nhắc nhở vi phạm còn chưa kịp thời.
Đẩy lùi hủ tục, nhân rộng điển hình
Đánh giá nguyên nhân việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa đạt được kết quả như mong đợi, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể chưa thực sự làm tốt công tác tuyên truyền; vẫn còn cán bộ, công chức chưa phát huy tinh thần nêu gương; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số nơi còn mang tính hình thức, đối phó… Nhận xét này không phải là không có cơ sở bởi trong thời gian qua đã có không ít cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại huyện Thanh Trì, có đồng chí là Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã nhưng tổ chức cưới cho con vượt quá số mâm cỗ theo quy định, đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Trước đó, Quận ủy Hà Đông cũng đã xử lý kỷ luật 20 cán bộ, đảng viên vi phạm...
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân, nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm, đẩy lùi hủ tục, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn TP Hà Nội với nhiều nhiệm vụ cụ thể, như: Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ thành phố tới cơ sở; đưa mục tiêu vận động cưới “trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm”, tang “văn minh, tiến bộ” vào nội dung bình xét các danh hiệu văn hóa…
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm theo quy định, bước đầu là Sở Nội vụ Hà Nội hoàn thiện chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung liên quan tới việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc tuyên truyền, vận động thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Sở VH-TT sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Thành ủy, UBND Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện các giải pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…
Với những kế hoạch, giải pháp kể trên, việc tang trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.