(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 579 nghìn héc ta; việc tổ chức liên kết mang lại hiệu quả kinh tế, giá trị tăng từ 17 đến 25% so với sản xuất và tiêu thụ truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện liên kết còn nhiều bất cập, quy mô hạn chế, diện tích cánh đồng mẫu lớn chỉ chiếm 3,9% so với tổng diện tích cây trồng.
Ngoài ra, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là giữa hộ nông dân với hộ kinh doanh, doanh nghiệp, số hợp tác xã tham gia liên kết ít; tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng thấp, dẫn đến tình trạng tiêu thụ nông sản khó khăn và không tạo được vùng nguyên liệu ổn định...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam nhìn nhận, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; nông dân chưa quen với liên kết sản xuất theo hợp đồng, khi vào chính vụ sản xuất, sản lượng tăng mạnh, dễ dẫn tới cung vượt cầu. Tình trạng này khiến nông dân phải nhổ bỏ nông sản như thời gian qua ở huyện Mê Linh (Hà Nội), tỉnh Hải Dương… gây thiệt hại về kinh tế. Trong khi đó, theo ông Trịnh Văn Vịnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Yên Nghĩa (quận Hà Đông), hiện mới chỉ có 50% nông sản của hợp tác xã tiêu thụ qua hợp đồng, còn lại nông dân vẫn mang ra chợ dân sinh, chợ đầu mối tiêu thụ.
Để bảo đảm mục tiêu đến năm 2020 có từ 80 đến 95% sản phẩm mía đường, tôm, cá ba sa; từ 15 đến 30% sản lượng chè, lúa hàng hóa, cà phê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn... tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị…
"Để chính sách đi vào thực tiễn, các địa phương cần chủ động rà soát sản phẩm chủ lực theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định.
Như vậy có thể thấy, các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển; Nhà nước giảm thuế cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích các doanh nghiệp thu mua nông sản theo hợp đồng; chính quyền địa phương hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân...
Tuy nhiên, "móc xích" của chuỗi liên kết là phải lựa chọn được những doanh nghiệp, tổng công ty lớn có nhu cầu, đủ uy tín để tham gia mô hình liên kết, thực hiện cung cấp dịch vụ về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào và quan trọng nhất là bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.