(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thực tế cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến.
Một điểm tri ân người tiêu dùng tại siêu thị Vinmart. |
Quyền của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi do chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình... Đánh giá về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua khảo sát của Sở Công Thương, vẫn còn nhiều người chưa biết đến các quyền của người tiêu dùng như quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu, ngoài phản ánh đến nơi bán sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Liên (trú tại P428, khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) cho biết: “Sau một vài lần mua hàng qua mạng, nhận được sản phẩm không đúng như quảng cáo, tôi yêu cầu đổi lại thì nhận được sản phẩm chất lượng cũng không khác gì sản phẩm lần đầu. Tôi cũng không biết phải khiếu nại với ai, đơn vị nào, vì hàng hóa mua qua trang mạng xã hội chỉ trao tay chứ không có hóa đơn...”.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Hải, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng thực tế tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã và đang xảy ra phổ biến, ngày càng phức tạp hơn. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng im lặng bỏ qua, cũng có rất nhiều trường hợp lại chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, của hiệp hội và sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì bản thân người tiêu dùng cần hiểu luật để tự bảo vệ mình.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng về việc chậm trễ trong quá trình tiếp nhận, xử lý các yêu cầu, khiếu nại về dịch vụ của ngân hàng. Cụ thể, người tiêu dùng gửi khiếu nại thông qua địa chỉ thư điện tử (email) của bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Mặc dù hệ thống thư điện tử của ngân hàng đã gửi xác nhận tiếp nhận thành công email của người tiêu dùng, nhưng sau đó người tiêu dùng không nhận được liên hệ phản hồi của ngân hàng để giải quyết các vấn đề phản ánh.
Nâng cao trách nhiệm
Năm nay, với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”, trong tháng 3 và tháng 4-2019, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Cụ thể, lễ hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3” năm 2019 sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) vào ngày 16-3. Ngay sau lễ mít tinh, tuần “Doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng” sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 22-3 tại 100 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội. Từ ngày 19 đến 23-4 sẽ diễn ra sự kiện “Ngày hội sản phẩm hàng hóa vì người tiêu dùng” với quy mô 50 gian hàng tại siêu thị Big C. Tại đây, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia các hoạt động giao dịch hàng hóa như: Tăng thời gian bảo hành, hỗ trợ bảo dưỡng, bảo trì miễn phí các sản phẩm, được tăng điểm tích lũy khi mua sắm, được nhận thêm quà tặng và giảm giá cho các sản phẩm đến 50%.
Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 3 buổi tập huấn tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các trường trung học phổ thông với sự tham gia của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên Sở Công Thương Hà Nội hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, năm 2018 đã thu hút 70 doanh nghiệp tham gia; Tổng đài 024.1081 đã giải đáp 3.912 cuộc gọi (tăng 20% so với năm 2017) về luật và các thông tin liên quan đến chương trình".
Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn nữa, các ngành chức năng của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng, xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi giao dịch, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc triển khai các chương trình về "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để tạo cho người tiêu dùng chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội... tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trực tiếp tri ân người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.