Thị trường

Hà Nội: Xử lý gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết

Thanh Hiền

Dịp Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm, cũng là thời điểm tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra phức tạp.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội xung quanh vấn đề này.

24-1-qlttbadinh.jpg
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Bình

- Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?

- Trong tháng 1, cũng là thời điểm diễn ra Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra sôi động hơn. Đây cũng là thời điểm tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa trái phép như ma túy, pháo nổ, thuốc lá, xì gà, thuốc lá điện tử, đồ điện tử… diễn biến phức tạp.

Với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, nhiều vụ việc vi phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm. Giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua cao, nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.

Riêng trong tháng 1 này, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 2.775 vụ, xử lý 2.567 trường hợp vi phạm. Trong đó xử lý hành chính 2.496 vụ; khởi tố 71 vụ đối với 92 bị can.

- Sau 1 tháng ra quân tăng cường thanh tra, kiểm tra, ông đánh giá thế nào về tình hình gian lận thương mại trong dịp này?

- Như đã nói, cuối năm là thời điểm “nóng” của thị trường cả nước, hàng hóa giao thương tăng đột biến dẫn đến tình trạng nhiều vi phạm pháp luật về hàng hóa, tiêu dùng diễn ra.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố và các quận, huyện, thị xã tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Với vi phạm này, riêng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 922 vụ, xử lý hành chính 894 vụ. Phạt hành chính 13 tỷ 507 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm là 10,1 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 3-1 vừa qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, phát hiện và tạm giữ 13.564kg thực phẩm bao gói sẵn nhập lậu.

Tiếp đó, ngày 8-1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm ở ngõ 21 đường Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì phát hiện và tạm giữ 2.148 kg thực phẩm đông lạnh nhập lậu.

- Để việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 thành phố sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

- Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ ứng trực 24/24h, bám sát địa bàn để kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng tư thương lợi dụng Tết Nguyên đán tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Các lực lượng công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng. Chúng tôi mong rằng, các tầng lớp nhân dân chung tay, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, từ đó giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xử lý gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.