Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh hoạt động giám sát, hậu kiểm

Đỗ Tâm| 04/06/2012 07:03

(HNM) - Ở thời điểm hiện tại, giá một số hàng hóa thiết yếu trong đời sống xã hội như lương thực, thực phẩm, thép, xi măng, gas, thức ăn chăn nuôi… đang có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào, sức mua có phần chững lại.



Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2012 tiếp tục tăng thấp là dấu hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, tháng 6 cũng bắt đầu vào mùa mưa lũ, thời tiết thay đổi, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể còn bùng phát, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Thêm vào đó, các nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt, du lịch, nghỉ ngơi… trong mùa hè tăng, có thể là những yếu tố gây áp lực tăng giá. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần thực hiện ngay một số giải pháp bình ổn giá. Các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ tình hình cụ thể để có biện pháp phù hợp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng núi cao, biên giới, hải đảo, nhất là trong những thời điểm khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó là thực hiện việc giám sát chặt chẽ, từ đăng ký, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá đến kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không hợp lý và kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá cũng như hoạt động của các doanh nghiệp được hỗ trợ về tài chính do có cam kết không tăng giá. Tức là đẩy mạnh các hoạt động giám sát, "hậu kiểm" liên quan đến giá cả thị trường.

Tăng cường hậu kiểm, giám sát là một trong những giải pháp bình ổn giá thị trường trong thời gian tới. Ảnh: Trọng Hải

Năm qua, việc thực hiện chủ trương bình ổn giá ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã thu được một số kết quả khả quan, đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước đã phát huy được tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, kìm hãm tăng giá. Tuy nhiên, việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu mới chỉ thực hiện được ở khu vực đô thị, còn vùng nông thôn, người nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên vẫn chưa thể tiếp cận và hưởng lợi được nhiều từ chính sách này. Để tạo sự bình đẳng, công bằng, tất cả mọi người đều được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, người tiêu dùng mong muốn việc tổ chức thực hiện phải chú trọng tính đồng bộ và được thể chế hóa bằng các quy định của luật. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tổ chức thực hiện theo hướng đa dạng, hợp lý về hình thức, tạo được các kênh phân phối phù hợp với điều kiện thực tế để chủ trương, chính sách đến được với những người thực sự cần được hỗ trợ chứ không phải chỉ phục vụ doanh nghiệp kinh doanh và người có tiền. Người tiêu dùng vẫn tỏ ra chưa yên tâm với các mặt hàng bình ổn giá vì qua thực tế ở một số địa phương, hàng bình ổn giá vừa thiếu lại vừa thừa, nhất là về tính thiết thực, quỹ bình ổn giá đã có song sử dụng chưa hợp lý, chưa phát huy được tác dụng. Ví dụ như, mặt hàng tối quan trọng là xăng dầu, dù nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, đã có trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng trên thực tế, việc quản lý, sử dụng quỹ này trong thời gian qua cũng gây nhiều thắc mắc trong dư luận, không phát huy được hiệu quả trong bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Phải thấy rằng, việc áp dụng các giải pháp bình ổn giá là can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính nên nếu áp dụng không đúng sẽ gây nên những tác động không tốt, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của người sản xuất, người tiêu dùng và cả Nhà nước. Do đó, đi đôi với việc tăng cường "hậu kiểm", giám sát, để bảo đảm tính khách quan, tạo cơ hội cho các bên liên quan được quyền tham gia, thảo luận, giải trình và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp bình ổn giá, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép thành lập Hội đồng tư vấn giá bao gồm đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về giá, đại diện của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngành hàng... để bảo đảm các biện pháp bình ổn giá đưa ra được công khai, minh bạch và dân chủ - tức là hội đủ những đặc tính cần thiết của yếu tố giá trong nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh hoạt động giám sát, hậu kiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.