Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Hà Hương| 24/01/2016 06:34

(HNM) - Đảng ta xác định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đại biểu Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long:
Chương trình xây dựng nông thôn mới rất hợp lòng dân

Các văn kiện Đại hội lần này của Trung ương có nhiều nội dung lớn. Các nội dung trong văn kiện đặt ra lần này nếu đáp ứng một cách toàn diện, chắc chúng ta phải nghiên cứu thêm. Nhưng về cơ bản đạt được yêu cầu. Tôi rất quan tâm tới những chính sách về “tam nông” vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với cả nước, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn như về xây dựng nông thôn mới (NTM), đây là chủ trương lớn của Đảng, được triển khai thực hiện rất hiệu quả trong thời gian qua và thực sự đi vào lòng dân. Trong các nghị quyết về “tam nông” thì nghị quyết về xây dựng NTM hợp lòng dân, vừa đáp ứng yêu cầu của Đảng và cũng là yêu cầu của bản thân người nông dân. Chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận cao, sự tham gia, đóng góp nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tôi nghĩ rằng, nhiệm kỳ tới, chúng ta tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh xây dựng NTM thì bộ mặt nông thôn sẽ tốt hơn; đời sống của người nông dân sẽ được cải thiện, ở nông thôn sẽ phát triển tốt hơn.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội:
Mong Đại hội đưa ra những quyết sách phát triển khu vực nông nghiệp - nông thôn

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rất rõ sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH. Đại hội cũng sẽ xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là khu vực có 70% dân số, tuy nhiên đây cũng là khu vực còn thu nhập thấp so với mặt bằng chung cả nước nên rất cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa để tiêu thụ sản phẩm của nông dân trên địa bàn cả nước. Để phát triển sản phẩm nông nghiệp có thể cạnh tranh được, nông dân phải liên kết với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Ngoài ra, nông dân còn phải liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm thực sự có chất lượng, có thương hiệu mới có thể cạnh tranh được khi đất nước hội nhập, nhất là khi Hiệp định Thương mại TPP có hiệu lực. Tôi kỳ vọng Đại hội lần này sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng giúp cho người dân Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn phát triển đồng bộ và mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai:
Phải nâng “sức đề kháng” cho nông nghiệp

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng sẽ tạo “sân chơi” cho ngành Nông nghiệp. Vấn đề hiện nay cần làm phải nâng “sức đề kháng”, đó là nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành... Vấn đề của ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, thì phải mình xử lý. Đó là bài toán trong chiến lược… Đơn cử như câu chuyện về thương lái. Với sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay, nếu không có thương lái, nông dân mình sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề là quản lý thương lái, phải biết họ là ai, hoạt động trong lĩnh vực nào, cái gì họ được làm, cái gì không được. Và quan trọng phải phân phối lợi ích sao cho hài hòa. Vì thế, việc liên kết lại hình thành các hợp tác xã để đảm nhận đầu vào, đầu ra cần được quan tâm nhiều hơn để kinh tế hợp tác vững mạnh.

Đại biểu Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Hà Nội:
Cần có cơ chế đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, miền núi

Hiện nay, chúng ta đã cổ phần hóa các nông trường trên phạm vi toàn quốc. Quá trình thực hiện cũng đạt được kết quả, nhưng còn hạn chế, dẫn tới quản lý đất đai lỏng lẻo, chưa kể các khu dân cư không bàn giao về cho địa phương quản lý dẫn tới xảy ra những bất cập. Việc thực hiện quy hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án gặp khó khăn. Tôi mong muốn có ý kiến, Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề cổ phần hóa nông, lâm trường, trong đó trên địa bàn Hà Nội có một số nông trường cũng trong tình trạng như thế. Thứ hai, chương trình xây dựng NTM đã triển khai hết sức hiệu quả và thành công, bước đầu đã thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân và đó chính là mục tiêu cuối cùng chúng ta cần phấn đấu hướng tới. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn để xây dựng NTM cần linh động, nên có cơ chế quan tâm đầu tư kinh phí của Trung ương cho vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo - Hải Phòng:
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Trong văn kiện Đại hội XII có đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp. Những chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải hiểu đây mới là chủ trương, còn quá trình tổ chức thực hiện cần phải cụ thể hóa những cơ chế, chính sách, kế hoạch chương trình. Trong quá trình chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XII tới đây, có thể thấy, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị hiệu quả và thu nhập có một loạt vấn đề như, tích tụ ruộng đất đưa sản xuất nông nghiệp từ manh mún nhỏ lẻ, rủi ro cao, hiệu quả giá trị thấp thành một ngành sản xuất lớn có quy mô lớn hơn, tạo sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập cần bảo đảm nhiều yếu tố như sản phẩm sạch chất lượng, quy mô lớn, bảo đảm khả năng cạnh tranh.

Để đạt được các yêu cầu đó, chính sách đất đai phải đặt lên hàng đầu. Nhà nước cần có quy định và có hướng dẫn cụ thể trong thực hiện Luật Đất đai 2013. Thứ hai là động viên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp mới có quy mô lớn, còn để người nông dân tự sản xuất thì rất khó. Đây là những vấn đề cốt lõi cần được cụ thể hóa nhanh hơn, sớm hơn, mới đạt kết quả như mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.