Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Bảo Chân| 30/12/2010 07:28

(HNM) - Đề án 103 - đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015 đã bước sang năm thứ ba. Theo đánh giá, đề án đã thực sự trở thành điểm tựa giúp thanh niên lập nghiệp. Để có cái nhìn rõ hơn về đề án, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư BCH TƯ Đoàn.

- Năm 2010 được đánh dấu là năm có sự chuyển động mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án 103 tại các tỉnh, thành đoàn. Xin anh cho biết một số kết quả của đề án?

- Khi triển khai Đề án 103, hầu hết các tỉnh đoàn đều có bước đột phá. Ví dụ trong vai trò gắn kết, đoàn thanh niên (TN) đã là cầu nối của tổ chức Đoàn giữa TN với cơ sở đào tạo, giữa TN với nhà tuyển dụng. Các hoạt động cụ thể trong việc giúp đỡ, hỗ trợ đoàn TN như vay vốn lập nghiệp cũng rõ nét hơn. Điển hình là câu chuyện về vốn. Nếu như năm 2009, đoàn TN hỗ trợ vốn vay đạt 4.500 tỷ đồng thì đến năm 2010 đạt 8.000 tỷ đồng. Trước thời điểm 2008, toàn bộ vốn vay của TN mới chỉ có 1.700 tỷ đồng. Và như vậy, sau 2 năm dư nợ đã tăng lên đến 6 lần.

Hiện các thành đoàn đang triển khai chương trình hỗ trợ TN khởi sự doanh nghiệp thông qua hình thức E-learning và gắn kết các thành viên trong câu lạc bộ doanh nhân trẻ, trao đổi kinh nghiệm. Đến thời điểm này, đã có gần 12.000 TN đăng ký học và đã có 6.000 bạn tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ. So sánh với mục tiêu của Đề án 103 - mỗi năm đào tạo từ 2.000 đến 2.500 lao động - mới thấy kết quả trên đáng được ghi nhận.

- Thực tế cho thấy việc triển khai đề án cũng như một số dự án cụ thể còn chậm. Đặc biệt, sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức xã hội vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên chưa nhiều, chưa hiệu quả. Phải chăng do nội dung của đề án không hấp dẫn hay do chính sách chưa "mở"?

- Thực tế triển khai đề án cũng có xuất hiện một số vướng mắc. Đó là mục tiêu Đề án 103 thông qua đoàn TN bằng các hoạt động tạo sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành với mảng nghề nghiệp việc làm cho TN vẫn chưa đạt như mong muốn. Có những lúc, những nơi chưa phát huy hết hiệu quả và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa được sâu sát. Ví dụ, Chính phủ giao cho mỗi tỉnh phải thành lập ban điều hành đề án do một lãnh đạo tỉnh làm trưởng ban. Thế nhưng đến thời điểm này mới có 50% số tỉnh có ban điều hành và chỉ có khoảng 25% số tỉnh đã thành lập ban điều hành có kế hoạch cụ thể. Như vậy, rõ ràng chỉ trông chờ vào hoạt động của đoàn TN thì không thể nâng tầm được các hoạt động nghề nghiệp, việc làm.

- Có ý kiến cho rằng, sau 3 năm thực hiện đề án nhưng thanh niên tại các vùng sâu, vùng xa vẫn khó tiếp cận vì có quá nhiều rào cản. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Đúng là TN vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều rào cản. Không chỉ với vùng sâu, vùng xa mà cả TN vùng đồng bằng, rồi TP cũng chưa có điều kiện tiếp cận tốt đề án với nhiều lý do khác nhau. Đã từng có trường hợp, nhiều TN ở khu vực hưởng lợi theo Quyết định 30a khi được hỏi: Bạn biết gì về Đề án 103 và có đề nghị gì về các chính sách trong đề án thì câu trả lời lại chính là câu hỏi, Đề án 103 là gì? Rõ ràng, qua đó thấy được công tác tuyên truyền chưa đến được tận nơi nhưng điều đó cũng thể hiện bản thân nhiều TN chưa quan tâm đến vấn đề học nghề lập nghiệp. Nhiều bạn vẫn có thói quen trông chờ, ỷ lại, nghĩ rằng việc đó là của gia đình, của xã hội chứ không phải của mình.

Hiện nay TƯ đoàn đang có kế hoạch để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông trong năm 2011.

- Mục tiêu của đề án là phấn đấu 100% TN có nhu cầu khởi nghiệp được tư vấn hỗ trợ. Để đạt được kết quả này, bước sang năm 2011 những nội dung trọng tâm nào sẽ được triển khai?

- Mục tiêu đề án là đến năm 2015 sẽ có 100% TN khi có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ. Ngoài ra, có khoảng 70-75% TN khi tham gia vào thị trường lao động đã được qua đào tạo nghề. Để đạt được mục tiêu đó, năm 2011, TƯ đoàn chỉ đạo các địa phương: đẩy mạnh truyền thông và tư vấn đặc biệt ở các trường cấp 2, cấp 3, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm làm sao để công tác tư vấn, hướng nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi bạn học sinh khi bước vào đời sẽ chọn được nghề phù hợp nhất.

- Được biết, mới đây ban đề án đã đề xuất hình thức đào tạo phi truyền thống, đào tạo thông qua E-learning, internet… phương thức đào tạo này có được triển khai trong năm 2011? TN ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có được tiếp cận hình thức này không?

- Hiện tại chúng tôi đang đàm phán với VNPT mở thêm thời gian ở các điểm văn hóa xã để các em vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được các hình thức học qua mạng này.

Một hình thức nữa là chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện cổng thông tin về việc làm để kịp khai trương vào dịp 80 năm Ngày thành lập Đoàn (26-3-2011). Cổng này sẽ có tính kết nối cao với các hoạt động trực tuyến với độ tương tác cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam để đào tạo cho các bạn không có điều kiện, nhất là TN vùng sâu, vùng cao được tiếp cận học tập.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.