Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học

Thu Hằng| 14/12/2021 06:27

(HNM) - Một trong các khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô trong thời gian tới là đẩy mạnh cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo khoa học của Ban chủ nhiệm các Chương trình khoa học và công nghệ cấp thành phố để xem xét, đánh giá các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch năm 2022.

- Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về công tác tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Năm 2021, việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố có sự đổi mới như thế nào, thưa đồng chí?

- Trong năm 2021, Hà Nội tiếp tục đổi mới trong công tác đặt hàng và tuyển chọn đơn vị thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với phương thức, quy trình chặt chẽ hơn, xét tuyển qua 2-3 vòng; thời gian được rút gọn 3-4 tháng; đối tượng tham gia đặt hàng, tuyển chọn được mở rộng; dự án sản xuất thử nghiệm cũng tăng lên; đưa ra tuyển chọn cả những nhiệm vụ đột xuất, nhưng vẫn bảo đảm trình tự, rút ngắn thời gian.

Xuất phát từ những bất cập, vướng mắc nảy sinh của các sở, ngành, địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng được danh mục các nhiệm vụ xứng tầm, cấp thiết để thành phố đặt hàng và tuyển chọn đơn vị thực hiện. Năm 2021, có 91 nhiệm vụ được đưa ra tuyển chọn, kết quả 74 nhiệm vụ có đơn vị trúng tuyển. Ngoài ra, có 2 nhiệm vụ đột xuất là tham gia xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), kết quả sau 2 tháng đã tuyển chọn được đơn vị thực hiện.

Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 4116/QĐ-UBND về việc thành lập 9 Chương trình khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của các chương trình là tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người Thủ đô, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh của thành phố.      

- Cùng với kết quả năm 2021, xin đồng chí cho biết giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện các đề tài, đề án khoa học ra sao?

- Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai thực hiện 345 nhiệm vụ thuộc 12 chương trình khoa học và công nghệ, 1 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm thành phố. Kết quả của các đề tài, dự án, đề án khoa học được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội là địa phương duy nhất cả nước đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội: “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Phát huy những kết quả đã đạt được, theo đồng chí, những định hướng, trọng tâm của các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong năm 2022 là gì?

- Năm 2022, trọng tâm đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố sẽ căn cứ vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, các chương trình công tác của Thành ủy, các chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch của thành phố và nhu cầu thực tiễn của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Theo đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, khoa học lý luận chính trị, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên... Nghiên cứu phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp. Nghiên cứu các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy giá trị văn hóa và con người; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.