Công nghệ

Quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước: Sớm tháo gỡ các nút thắt

Thu Hằng 14/06/2024 - 06:45

Việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP (ngày 15-5-2018) của Chính phủ hiện gặp rất nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải nhanh chóng tháo gỡ để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

thi-nghiem.jpg
Nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu khó được ứng dụng vào thực tế

Sau hơn 5 năm triển khai, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, dù thu được những kết quả ban đầu, song cũng tạo nên những rào cản trong việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế đời sống.

Vướng mắc lớn nhất là nhà khoa học, tác giả của sản phẩm thu được từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ không có quyền quyết định việc có được chuyển giao cho người có nhu cầu nếu phần ngân sách nhà nước trong kinh phí thực hiện đề tài là trên 30%. Kết quả đó là tài sản của Nhà nước. Nhiều nhà khoa học cho biết, việc coi kết quả của đề tài khoa học và công nghệ là tài sản công khiến cho mọi việc liên quan đến định giá, chuyển giao đều gần như không thể thực hiện trong điều kiện thực tế hiện nay.

Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Phan Tiến Dũng thông tin, theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, trước khi thương mại hóa cần phải định giá công nghệ, tuy nhiên hiện Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về việc định giá loại tài sản công nghệ. Còn theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, việc định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP rất khó thực hiện, ngay cả đối với các đơn vị có chức năng thẩm định. Thậm chí trong một số trường hợp, cơ quan chủ trì và tác giả có thể bị quy trách nhiệm hình sự là làm thất thoát tài sản nhà nước...

Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) Vũ Đức Lợi chia sẻ, VKIST hiện có nhiều công nghệ, đề tài liên quan tới ngân sách nhà nước nhưng không chuyển giao được vì vướng về định giá công nghệ và chia sẻ lợi nhuận. Về định giá công nghệ có hai vấn đề: Đề tài liên quan đến doanh nghiệp thì giá công nghệ là bao nhiêu tiền; mức chia sẻ lợi nhuận sẽ như thế nào. Vì hai vấn đề này mà các đề tài của VKIST đều bị dừng.

Phân chia các loại hình nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được sửa đổi để tháo gỡ nút thắt quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải đưa ra một số đề xuất như: Tài sản chuyên dụng, tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy định riêng. Tài sản thuộc Khoản 25, Khoản 66 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và chỉ dẫn địa lý: Xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; tài sản phải đăng ký, lưu giữ theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2014/NĐ-CP (báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, phụ lục tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát, bản đồ, bản vẽ, ảnh, tài liệu đa phương tiện, phần mềm)...

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp, trước khi xác định ai sẽ nắm giữ quyền tài sản nên định hướng phân chia các loại hình nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Đối với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có kết quả là bài báo, công bố với các tri thức chung thì không phải tài sản để quản lý; còn đối với nhiệm vụ nghiên cứu định hướng ứng dụng, có thể tạo ra kết quả trung gian, sản phẩm để thử nghiệm mô hình, thì sản phẩm đó cũng không phải là tài sản. Khi đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có đem lại các công nghệ, các kết quả có thể chuyển giao mới cần được xem xét và được coi là tài sản.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ. Có thể tin tưởng, sau khi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP được sửa đổi, những nút thắt trong quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước sẽ được tháo gỡ, để có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tế đời sống, sản xuất, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước: Sớm tháo gỡ các nút thắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.