Tuyển chọn và thực hiện các nhiệm vụ là một trong các khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô.
Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý các nhiệm vụ, đề tài, góp phần đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào đời sống, tăng tỷ lệ ứng dụng khoa học và công nghệ.
Quản chặt đầu vào, nâng chất lượng đầu ra
Từ năm 2015, Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ và thực hiện tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện. Cơ chế tuyển chọn theo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch hằng năm được đổi mới, cải tiến quy trình, hồ sơ quản lý đề tài, dự án, bảo đảm chất lượng, rút ngắn thời gian, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, những năm qua, phương thức triển khai được đổi mới theo hướng khuyến khích sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham gia đặt hàng, trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vào giải quyết các vấn đề bức xúc thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Đặc biệt là thu hút đội ngũ trí thức tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp của thành phố, trung ương tham gia nghiên cứu khoa học theo đặt hàng từ các cơ quan, doanh nghiệp.
Qua đó, các kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được áp dụng vào thực tiễn ở hầu hết các ngành, lĩnh vực với các mức độ và quy mô khác nhau.
“Chúng tôi đã tham mưu thành phố ban hành Quyết định 05/2021/QĐ-UBND ngày 1-4-2021 về việc ban hành Quy chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố. Các chương trình nghiên cứu cũng được cơ cấu tinh gọn, trọng điểm, từ 12 chương trình tinh giản còn 9 chương trình” - ông Nguyễn Quốc Hà cho biết.
Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình 02 nhận xét, những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ của Hà Nội đã sát với thực tiễn hơn; đã loại bỏ những đề tài chung chung và dần chọn những nhiệm vụ và vấn đề thành phố cần. Các sở, ngành, quận, huyện cũng bắt đầu chọn những vấn đề thiết thực để đặt hàng.
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Chương trình 04 đánh giá, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý.
“Trước đây, các chương trình tương đối thụ động theo đề xuất đặt hàng của các đơn vị. Gần đây Ban Chủ nhiệm chương trình đã sâu sát với thực tiễn để đề xuất nhiệm vụ. Một sự sáng tạo nữa là Sở thường xuyên tổ chức tiếp xúc với địa phương, với các tổ chức khoa học và công nghệ để tiếp thu, tiếp nhận ý kiến đóng góp cũng như nhu cầu khoa học và công nghệ” - ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.
Theo Phó Chủ nhiệm Chương trình 09 Nguyễn Phúc Khanh, quá trình triển khai các nhiệm vụ đặt hàng đã có những nhân tố mới. Ngoài các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các trường nghề, nay đã có các trường trung cấp dạy nghề tham gia, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực giảng dạy ở cơ sở giáo dục đó.
Tiếp tục đổi mới nội dung, quy trình
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, vẫn còn một vài vướng mắc về cơ chế tài chính khiến các đề tài triển khai chậm. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nên tập trung cho hướng ứng dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm là những quy định về vốn đối ứng.
“Cơ cấu vốn đối ứng lớn; người nông dân đóng góp bằng công lao động nhưng phải chứng minh lương, mã số thuế… là quá phức tạp về mặt thủ tục” - ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.
Còn theo Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, Hà Nội cần phải làm tốt hơn trong việc phát huy vai trò của các trường, viện trên địa bàn; phải phối hợp hợp tác, huy động sức mạnh của từng đơn vị để giải quyết bài toán thực tiễn; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp; kết hợp nghiên cứu dài hạn và ngắn hạn; phát huy các sản phẩm khoa học; phát huy vai trò của mạng lưới các chương trình… Và, quan trọng là phải tiếp tục đổi mới nội dung, quy trình quản lý đề tài.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, để nâng chất lượng thực hiện, có 10 nội dung cần lưu ý trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố.
"Trong quá trình triển khai phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị của thành phố để có xác nhận bảo đảm địa chỉ ứng dụng rõ ràng của kết quả nghiên cứu. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ và đơn vị chủ trì phải báo cáo bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ; chỉ tiếp tục triển khai thực hiện nội dung liên quan sau khi được chấp thuận bằng văn bản của Sở Khoa học và Công nghệ", ông Nguyễn Quốc Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.