(HNM) - Trước vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức báo động, thời gian qua, một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố tích cực áp dụng chăn nuôi khép kín, theo phương pháp sinh học và công nghệ vi sinh nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định đã gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT), đến nay, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó, 79 chuỗi có nguồn gốc động vật, thu hút 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Mỗi ngày, các chuỗi chăn nuôi cung cấp cho thị trường 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa.
Việc phát triển các mô hình chăn nuôi lợn sạch còn khó khăn do đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh khiến việc mở rộng quy mô hạn chế. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết: Từ năm 2016, Hợp tác xã Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng thịt lợn sạch A-Z, nhưng mỗi ngày chỉ tiêu thụ được khoảng 2,2 tấn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn; còn lại bán cho thương lái với giá như lợn nuôi thông thường. Hiện, các trang trại gặp khó khăn nhất là liên kết trực tiếp với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ với số lượng lớn.
Về những khó khăn của mô hình chăn nuôi lợn sạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ hay trang trại lớn vẫn tự sản xuất con giống để nuôi và xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Tuy nhiên, giá bán tại chuồng thấp, còn giá bán thịt lợn ở các chợ, siêu thị… đều ở mức cao.
Hiện nay, chăn nuôi lợn sạch là giải pháp quan trọng không chỉ cung cấp cho thị trường những mặt hàng bảo đảm chất lượng mà còn hạn chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích để quản lý được chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đồng thời, hỗ trợ người dân phát triển các vùng chăn nuôi lớn, an toàn dịch bệnh...
Để chăn nuôi lợn sạch phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các sở, ngành, huyện, thị xã tổ chức, liên kết sản xuất thành chuỗi chăn nuôi chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Sở phối hợp với các địa phương tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP; tăng cường sử dụng giống năng suất chất lượng cao; khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thức ăn sinh học, thuốc thú y có nguồn gốc sinh học.
“Về lâu dài, các doanh nghiệp cần đưa công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động của chuỗi lợn sạch để minh bạch hóa quy trình chăn nuôi, giết mổ chế biến với người tiêu dùng để có được sản phẩm an toàn, tạo uy tín bằng chất lượng sản phẩm. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ ký cam kết chăn nuôi an toàn và hỗ trợ những hộ này mở điểm bán thịt lợn sạch, quảng bá sản phẩm trên trang website của huyện nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.