Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, hôm nay (21-11), Quốc hội khóa XV sẽ dành thời gian để các đại biểu nghe và thảo luận tại hội trường Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Đây là nội dung quan trọng, luôn được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.
Với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng đã xử lý hành vi tham nhũng một cách toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa việc xử lý về công tác cán bộ - cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác - với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Tòa án xét xử sơ thẩm 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng. Mới đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Tham nhũng là tệ nạn, tội phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm suy yếu bộ máy Đảng và Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ. Mặc dù, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, song hành vi này vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra cả trong lẫn ngoài khu vực nhà nước và ngày càng tinh vi. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế...
Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm...
Chống tham nhũng là cuộc chiến với “giặc nội xâm” nhiều cam go, thách thức. Do đó, những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan chức năng khi đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Song, để công tác quan trọng này đạt hiệu quả hơn nữa, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, cần tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là với các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu... Chú trọng ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cử tri và nhân dân không chỉ muốn biết các cơ quan chức năng đã thụ lý, giải quyết được bao nhiêu vụ việc, xét xử được bao nhiêu vụ án, thu hồi được bao nhiêu tài sản tham nhũng… mà còn quan tâm việc Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đề ra giải pháp đột phá nào để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Điều này cũng đặt trọng trách đối với các đại biểu Quốc hội ở phiên thảo luận hôm nay, là làm sao để chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và hiến kế, đưa ra những giải pháp hữu hiệu để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.