Theo dõi Báo Hànộimới trên

Davos nóng trong tuyết lạnh

Vân Khanh| 27/01/2012 06:33

(HNM) - Chưa khi nào trong 66 năm qua, khu nghỉ mát Davos nổi tiếng của Thụy Sĩ lại ngập trong sắc trắng của tuyết nhiều đến thế. Và có lẽ kể từ khi thành lập năm 1971, đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khai mạc trong tình trạng kinh tế ảm đạm trên toàn châu lục.

Cuộc khủng hoảng nợ công đang nhấn chìm nhiều quốc gia tại Lục địa già, đà phục hồi chậm chạp, thiếu bền vững ở phần còn lại của thế giới đã phủ bóng đen không mong muốn lên WEF 42 vừa khai mạc (25-1) tại Davos với những chủ đề đặc biệt.

Khi nền kinh tế ở mỗi khu vực của hành tinh đều đang vướng trở ngại đặc thù, khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng 2.600 lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn, các nhà chính trị và hoạt động xã hội từ hơn 100 nước đổ tới Davos với những nỗi niềm riêng. Tuy nhiên, tất cả đều chia sẻ một điểm chung là mong muốn tìm ra phương thức hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang trong cơn chao đảo cũng như ứng phó với các thách thức tài chính chưa từng có trong lịch sử.

Trong niềm hy vọng đó, phát biểu khai mạc của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được chào đón nồng nhiệt. Sự kiện một nhân vật "cầm cương" con ngựa tài chính bất kham đang tàn phá Châu Âu trở thành người mở đầu cuộc tập hợp tại Davos đã nói lên nhiều điều. Rõ ràng là châu lục phồn hoa nhất hành tinh hiện là "bệnh nhân" nợ nần khó chữa trị nhất thế giới đã trở thành đề tài được quan tâm nhất tại lần nhóm họp thứ 42 này.

Không kỳ vọng có được một đột phá nào đó mang tính tức thời là thông điệp đã được nhà lãnh đạo hiện đang nắm giữ chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa thoát hiểm hạn hẹp cho Lục địa già khẳng định trong phát biểu khai mạc. Song, sự có mặt của bà A.Merkel trên vị trí quan trọng tại Davos cho thấy thế giới đã có cách nhìn trực diện và thực tế với những khó khăn hiện nay; đồng thời cũng báo động cho Châu Âu phải tăng cường trách nhiệm để nhanh chóng có những hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn cơn khủng hoảng có thể nhấn chìm thế giới. Hậu quả không mong muốn này cũng đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gióng giả trong một khuyến cáo cách đây không lâu. Với dự báo về một vòng xoáy khủng hoảng tương tự như những năm 30 của TK trước đang đợi chờ phía trước nếu như các quốc gia Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) không có những tiến triển tích cực thời gian tới, cơ quan tiền tệ lớn nhất hành tinh đã trực tiếp rung chuông cảnh báo cựu lục địa. Việc IMF theo gót nhiều tổ chức kinh tế khác hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4% xuống 3,25% cho năm 2012 là dấu hiệu khẳng định suy thoái và khó khăn đã thực sự gõ cửa thế giới.

Trong bối cảnh đó, các cuộc điều tra trước thềm WEF 42 cho một kết quả đáng giật mình, chỉ còn 15% các chủ doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng kinh tế toàn cầu được vực dậy. Niềm tin là thứ cần thiết nhất đã tỏ rõ sự khan hiếm vào thời điểm khó khăn hiện nay cho thấy phục hồi kinh tế toàn cầu đang đi vào cung đường gập ghềnh nhất. Do đó, không phải đến giờ mà ngay khi Hy Lạp đánh dấu một khuôn mặt khác của Châu Âu nhất thể bằng cuộc khủng hoảng mang tên: nợ công, đã có không ít ý kiến cho rằng những lỗi cấu trúc và hệ thống đã góp phần quan trọng thổi bùng cơn bão nợ tại Lục địa già. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng đang vật lộn với nguy cơ suy thoái khi các chính sách kinh tế mạnh mẽ ngày nào với một loạt gói cứu trợ khổng lồ được tung ra đã không mang lại những hiệu ứng như mong muốn. Vì thế, chủ đề "Sự chuyển đổi lớn: Định hình những mô hình mới" tại cuộc tập hợp ở Davos năm nay đã đề cập thẳng thắn đến một vấn đề từng được nhắc tới nhưng chưa cũ là liệu cơ chế kinh tế thị trường đặc trưng nhất của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XX có còn phù hợp với sự vận hành của một thế giới đã có nhiều khác biệt trong thế kỷ XXI. Là một "đề tài" mang nhiều tham vọng, song xét về thực tiễn, việc tìm kiếm những mô hình tăng trưởng, việc làm, xã hội… mới, có tính ứng dụng cao hơn, lâu dài hơn trên tất cả các bình diện phát triển của nhân loại trong thời đại mới sẽ là yếu tố căn bản để nền kinh tế toàn cầu thoát cơn đổ vỡ; đồng thời lấy lại đà chuyển động nhịp nhàng và hiệu quả hơn.

Như thế, mong đợi một cú hích với nền kinh tế toàn cầu ngay sau WEF 42 sẽ là quá vội vàng. Nhưng, cũng có thể lạc quan hy vọng rằng những cách tiếp cận mới trong khoảng 250 cuộc thảo luận hứa hẹn đầy nóng bỏng - kéo dài đến hết tuần - tại Davos mùa tuyết lạnh sẽ mang đến những hiểu biết quan trọng toàn cầu trong hành trình tìm ra hướng đi sáng cho nền kinh tế thế giới đang trong cơn giông tố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Davos nóng trong tuyết lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.