Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư vào nông nghiệp không thể “ăn xổi ở thì”

Ngô Sơn| 11/03/2012 06:05

(HNM) - Là phụ nữ, nhưng bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico) làm


Lạ hơn, giữa vùng công nghiệp, giữa thời bất động sản, chứng khoán hưng thịnh, bà lại đầu tư vào dự án nông nghiệp với số tiền cả nghìn tỉ đồng. Khi đa phần những người phụ nữ thành đạt "được mặt này mất mặt kia" thì bà lại có người chồng luôn đưa vai để bà tấm tức mỗi đêm, có đứa con du học nhưng thủ thỉ nhắn từng dòng tin "con sẽ cố gắng học để sau này có ích cho đời, khỏi phụ lòng bố mẹ…". Cuộc đối thoại của tôi với bà Nguyễn Thị Lệ Hồng bắt đầu từ dự án nông nghiệp mà bà đang tâm huyết: Khu liên hợp công - nông nghiệp Đồng Nai (Agropark).


Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng.

Không đầu tư hẳn hoi sẽ không bền vững

- Giới kinh doanh ngạc nhiên khi không ít doanh nghiệp (DN) "chạy" khỏi nông nghiệp thì Dofico có thế mạnh thương mại dịch vụ công nghiệp lại quyết định bỏ số tiền rất lớn đầu tư vào nông nghiệp là dự án Agropark. Tại sao vậy?

- Đúng là Dofico thực sự không cần làm nông nghiệp. Trước khi lập Dofico, tôi làm công nghiệp chế biến nông sản. Chính việc tiếp cận ngành này đã giúp tôi được đến các nước và mô hình đầu tiên mình khám phá là vùng Bretagne (Pháp) mỗi năm sản xuất gần 1,2 triệu tấn thịt heo, hơn 620.000 tấn thịt gia cầm cho thị trường Pháp và Châu Âu. Thế mạnh vùng Bretagne chính là chăn nuôi chế biến khép kín hiện đại, năng suất cao và đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó tôi mới "ngộ" ra, Tập đoàn C.P (Thái Lan) đã thực hiện mô hình này từ lâu ở Việt Nam và họ chọn hướng đi đúng khi xây dựng một chuỗi liên kết như hợp nhất các trại gà giống, đầu tư nhà máy ấp trứng, lập nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy đóng gói, chế biến thực phẩm… giúp họ trở thành thương hiệu mạnh hiện nay. Tôi hiểu rằng, con đường đi của một đất nước nông nghiệp muốn hiện đại thì phải là sự phát triển bền vững có sự gắn bó chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ. Nếu phát triển bất kỳ một ngành nào liên quan đến nông nghiệp mà không đầu tư hẳn hoi thì không bền vững.

Không đâu như nước ta, diện tích nhỏ nhưng sản phẩm nông nghiệp như gạo, tiêu, café... toàn đứng top đầu. Qua đợt khủng hoảng kinh tế vừa rồi, rất nhiều người đã hiểu ra, những lúc bất động sản chìm lắng, tín dụng đóng băng, chứng khoán rớt tới đáy thì đất nước ta lại vững nhờ xuất khẩu nông nghiệp.

- Làm nông nghiệp nhưng sao dự án lại có cái tên "Khu liên hợp công-nông nghiệp"? Bản chất của khu liên hợp này là gì, thưa bà?

- Lâu nay, giữa nông nghiệp và công nghiệp ở nước ta có nhiều bất cập. Như hiện tượng công nghiệp đi đến đâu nông nghiệp lùi sâu và người nông dân mất đất đến đó; hoặc mạnh ai nấy làm không liên kết dù ai cũng muốn nối với nhau. Điển hình như câu chuyện ở Proconco (Công ty CP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc-PV). Họ sử dụng 300.000 tấn nguyên liệu bắp, khoai mỳ/ năm để chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng phải đi nhập khẩu và phải chịu nhiều rủi ro như phải thanh toán bằng USD, khi tỷ giá lên xuống DN dễ "chết"; phải lệ thuộc vào nhà cung cấp nếu lúc thị trường khan hiếm nguyên liệu thì rất nguy hiểm. Thực ra Proconco không muốn như vậy? Nhưng do nguyên liệu sản xuất trong nước manh mún, không có sự liên kết giữa người bán và người mua, không bảo đảm chất lượng vì nông dân không đủ khả năng tài chính đầu tư cho chế biến bắp, khoai mỳ, ngoài việc phơi nắng hay treo trên cây cho khô.

Vấn đề đặt ra là, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thì chúng ta phải có một sự liên kết rất chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp và cùng phát huy thế mạnh của nhau. Tất cả những liên hoàn đó, chỉ có thể giải quyết bằng mô hình các "Khu liên hợp công - nông nghiệp" hướng đến mục tiêu hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mô hình "từ trang trại đến bàn ăn".

- Thực tế, ngành nông nghiệp đã "thuộc lòng" câu "bốn nhà cần bắt tay nhau" để khép kín quy trình từ "trang trại đến bàn ăn" nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy bơi. Trong bối cảnh đó, làm sao mô hình hoạt động của Agroprak có thể bảo đảm được mục tiêu?

- "Sợi dây" xuyên suốt của Dofico là khi thành lập theo mô hình công ty mẹ-con quy tụ nhiều thành viên kinh doanh nhiều ngành nghề (kể cả chăn nuôi, nông nghiệp, chế biến thức ăn, thực phẩm, dịch vụ công nghiệp...), hội tụ nhiều nguồn vốn (nhà nước, tư nhân và vốn nước ngoài). Như vậy chúng tôi có thể tổ chức liên kết hữu cơ giữa những đơn vị trong cùng khối và phát huy thế mạnh từng đối tác. Với mô hình tổ chức khép kín, khi đi vào hoạt động, các trang trại, nhà máy trong Khu liên hợp Agropark sẽ trở thành hạt nhân, cung cấp dịch vụ đầu vào (hạt giống, cây giống, con giống; thức ăn chăn nuôi, phân bón; chuyển giao mô hình sản xuất; chuyển giao, huấn luyện kỹ thuật…); bảo đảm đầu ra (thu mua nông sản, thu mua nấm, rau, củ, trái cây; heo thịt, sữa tươi…) cho các hộ trang trại, hộ nông dân trong khu vực.

Đầu tư vào nông nghiệp không thể "ăn xổi ở thì"

- Lý thuyết là vậy, nhưng khi vào thực tế với ngành nông nghiệp nước ta thì rất nhiều rủi ro. Ngay cả ngành bảo hiểm được tái bảo hiểm nhưng mới chỉ... thí điểm bảo hiểm nông nghiệp?

- Chúng tôi cũng đã "đụng" rồi. Dofico đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) với dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ Châu Âu... Nhà máy có nguồn cung là hệ thống trang trại chăn nuôi trực thuộc (như Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn, Công ty CP Nông - Súc sản Đồng Nai) và đầu ra là chuỗi cửa hàng an toàn thuộc Dofico và các hệ thống siêu thị lớn (như Co.op Mart, BigC, D&F). Giá thành giữa thịt sạch D&F cao hơn khoảng 30% so với thịt ở chợ, lại rơi vào giữa thời bão giá. Nhà máy bảo đảm mọi chuẩn về môi trường, VSATTP, hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại, khép kín cả trăm tỷ đồng thì giá thành sản phẩm phải cao hơn nguồn thịt có nguồn cung từ người có vốn đầu tư chỉ… con dao, cái thớt là lẽ đương nhiên! Ban đầu thì chưa có lãi. Khi xác định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải có gan, phải kiên trì chứ không thể "ăn xổi ở thì"! Ngày nay, với kinh nghiệm được tích lũy và kế thừa công nghệ thông tin phát triển, Việt Nam không nhất thiết phải mất quá nhiều năm mà ước tính chỉ khoảng 10-15 năm. Bởi lẽ thị trường nước ta hoàn toàn có thể xây dựng từ đầu và đây là lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư.

- Một DN nhà nước như Dofico hẳn có ưu thế hơn các DN nghiệp khác? Bà có tận dụng ưu thế đó không ?

- Không hẳn như vậy. Không dễ dàng gì khi thị trường đang là một mặt phẳng không phân biệt DN, trong khi mô hình DN nhà nước bị ràng buộc về cơ chế quản lý chứ không được tự do quyết định. Đơn cử, nhân lực hiện nay rất quan trọng cho sự phát triển hay triệt tiêu của DN. DN nhà nước có quyền trả lương cao theo thị trường để "hút" người về không? Có những vị trí chúng tôi trả lương tới 10 triệu đồng/tháng nhưng một DN tư nhân "câu" nhân lực giỏi về với mức lương gấp đôi, gấp ba. Dofico đã mất người như vậy đấy!

Lắng lại những riêng tư

- Một chút riêng tư, thưa bà! Điều hành tới 33 công ty với 9.000 người lao động, năm nào cũng đạt lợi nhuận cao, như năm 2011 vừa rồi Dofico nộp thuế tới 1.300 tỷ đồng, thời gian đâu bà có thể là một người mẹ, người vợ đúng nghĩa?

- Tôi đã từng chứng kiến nước mắt của các CEO nữ thành đạt trong công việc nhưng không giữ được hạnh phúc gia đình. Bởi vậy tôi không có khái niệm tách rời vai trò gia đình và công việc quản lý DN. Với tôi, gia đình cũng là sự nghiệp. Ở cơ quan tôi có thể làm việc có lúc đến kiệt sức nhưng về đến nhà tôi không còn là CEO nữa, chỉ còn là người phụ nữ của ông xã thôi. Tôi gác công việc lại, hạn chế tiếp khách, dành thời gian cho con cái, đọc sách báo, học hoặc nghe con tâm sự; xem một bộ phim, nghe ca nhạc cùng chồng... Tôi may mắn hơn nhiều chị em khác khi có một người chồng vừa là đồng chí, đồng nghiệp, vừa là người bạn đời. Anh luôn tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể làm việc hết khả năng. Anh còn cho tôi một bờ vai để có thể nương tựa bất cứ lúc nào và thậm chí có lúc chỉ ngồi im để mình khóc một cách rất... phụ nữ.
-
Cho đến giờ, bài học yêu thương và tôn trọng của người xưa "tương kính như tân" vẫn là nguyên tắc sống của gia đình tôi. Điều căn bản nhất là chúng tôi luôn xem là "bạn đời" đúng nghĩa để có thể sẻ chia, cảm thông trọn đời khi địa vị, tuổi trẻ, sắc đẹp, tiền tài… đã qua đi.

- Hiện người ta thấy nhiều cậu ấm cô chiêu của các "đại gia" vung tiền qua cửa sổ để thể hiện đẳng cấp. Còn hai "cô chiêu" nhà mình?

- Đó là phần thưởng lớn nhất của tôi đấy! Một cháu được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi và nay đang học thạc sĩ tại Anh. Một cháu nữa đang học lớp 12 và cũng đang là đối tượng Đảng. Thực sự về điều kiện vật chất các cháu hơn các bạn cùng trang lứa, tuy nhiên nhà báo có tin rằng hai cháu không biết xài tiền ! Ngay từ nhỏ, tôi không để các cháu tiếp cận với các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế của mình. Tiền bạc chỉ cho các cháu tiếp cận chừng mực cho phép. Bởi một trong những nguy hiểm của con người là… có tiền sẽ đưa tới việc không chỉ xài tiền vô bổ mà chưa chắc tìm được người bạn chân chính. Cái hệ lụy này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy khác và con cái dễ sai phạm dây chuyền. Sáng ngày 8-3 vừa rồi, cháu học bên Anh nhắn tin về chúc mẹ thế này: "Con sẽ cố gắng học giỏi, để không phụ lòng bố mẹ!". Tôi không tự hào về sự nghiệp bằng hai "tác phẩm" đó (hai đứa con). Tôi tin sau này hai cháu sẽ là người lao động tốt.

- Xin cảm ơn bà!

Agropark hằng năm có khả năng cung cấp cho thị trường 1.000.000 con heo giống; 500 con bò sữa giống; 1.000.000-2.000.000 cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô chất lượng tốt, sạch bệnh (hoa, cây ăn trái); 1.000.000 tấn thức ăn chăn nuôi… Đồng thời, thu mua từ 800.000-1.000.000 tấn nông sản nguyên liệu; 500.000 con heo thịt; 8.400 tấn sữa tươi (tương đương với số lượng bò cho sữa thường xuyên 2.000 con)… Dự án có khả năng cung cấp đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho 1.200-1.500 hộ chăn nuôi; 25.000-30.000 hộ trồng trọt và tác động gián tiếp đến hàng chục nghìn hộ sản xuất nông nghiệp khác thông qua việc cung ứng cây con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư vào nông nghiệp không thể “ăn xổi ở thì”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.