(HNM) - Để từng bước xóa bỏ chăn nuôi theo kiểu tự phát, gây nhiều tác động xấu tới môi trường, thành phố đã chủ trương xây dựng chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và xa khu dân cư.
Để từng bước xóa bỏ chăn nuôi theo kiểu tự phát, gây nhiều tác động xấu tới môi trường, thành phố đã chủ trương xây dựng chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và xa khu dân cư. Đây là việc làm cần thiết, đáp ứng được yêu cầu bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường nhưng việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Xây dựng những chuồng trại chăn nuôi xa khu dân cư sẽ bảo đảm vệ sinh môi trường. Ảnh: Hải Anh |
Thiết thực nhưng còn trở ngại
Thực tế chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đã tạo điều kiện cho các hộ dân học hỏi trao đổi kinh nghiệm, liên kết lại với nhau để giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, kiểm soát được dịch bệnh… Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) Vũ Minh Đức cho rằng, lợi ích của việc chăn nuôi xa khu dân cư là rất lớn song việc nhân rộng ra các địa phương đang gặp khó khăn. Từ năm 2009 thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một dự án nào được triển khai do không có kinh phí. Ngoài ra, các huyện thường lập dự toán để xây dựng dự án quá lớn không phù hợp với thực tế...
Đến nay đã có 4 huyện lập báo cáo khái quát dự án, tờ trình gửi UBND thành phố xin chủ trương xây dựng gồm: Khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xã Hồng Phong (Chương Mỹ) diện tích 23ha, với kinh phí 108 tỷ đồng; khu chăn nuôi tập trung xã Vạn Thái, Tảo Dương Văn (Ứng Hòa) diện tích 49,8ha, kinh phí 112 tỷ đồng; khu chăn nuôi tập trung xã Tân Ước (Thanh Oai) diện tích 15,53ha, kinh phí 120 tỷ đồng; khu chăn nuôi tập trung xã Cộng Hòa (Quốc Oai), diện tích 15,6ha. Nhưng sau khi Sở NN&PTNT kiểm tra cụ thể thì khu chăn nuôi xã Cộng Hòa (Quốc Oai) không đủ các tiêu chí xây dựng phát triển chăn nuôi xa khu dân cư vì gần đình chùa, việc lập dự án là không phù hợp nên đã dừng lại. 3 dự án còn lại đủ điều kiện xây dựng theo quy mô chăn nuôi xa khu dân cư nhưng do nguồn vốn quá lớn nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Ngoài ra, việc mở rộng các khu chăn nuôi tập trung ở các huyện cũng gặp nhiều vướng mắc vì theo Quyết định số 93/2009/QĐ-UBND ngày 19-8-2009 của thành phố, quy mô diện tích xây dựng dự án tối thiểu 10ha là quá lớn đối với thực tế đất đai của các huyện. Việc đưa các hộ vào khu chăn nuôi tập trung cũng có trở ngại vì không phải hộ nào cũng có điều kiện. Chưa kể các huyện hầu như thiếu vốn đầu tư nên phải đề xuất xin thành phố.
Cần sự hỗ trợ kịp thời
Theo ông Hoàng Văn Thám - Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, việc chăn nuôi xa khu dân cư sẽ tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Thành phố cần bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng dự án để triển khai sớm, tạo thuận lợi cho việc đưa các hộ dân ra ngoài khu dân cư; xem xét sửa đổi quy định về diện tích khu chăn nuôi tập trung từ 10ha xuống còn 3-5ha để các huyện dễ dàng hơn trong việc lập dự án; các sở, ban, ngành của thành phố cần xem xét, phê duyệt các dự án kịp thời để các huyện làm căn cứ triển khai…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố, các huyện cần phối hợp với đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tập huấn khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ sản xuất cho người chăn nuôi để các trang trại phát triển ổn định. Ngoài ra, khi lập dự toán đầu tư, các huyện cần tính toán kỹ phương án để bảo đảm tính khả thi, cân đối nguồn ngân sách thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp cho hợp lý. Các hộ dân cũng cần liên kết với nhau thành lập các HTX, Tổ hợp về chăn nuôi để có đủ tiềm lực về tài chính, kiến thức nhằm xây dựng các trang trại quy mô lớn, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Hiện toàn thành phố có 566 hộ chăn nuôi trang trại lợn, trong đó có 34 hộ lợn nái, 194 hộ lợn thịt, 338 hộ chăn nuôi tổng hợp, quy mô nái từ 10 con, lợn thịt từ 100 con/hộ, với đàn lợn 320.329 con. Các khu chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Về chăn nuôi gia cầm, toàn thành phố hiện có 2.147 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư với quy mô từ 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thịt, 500 gà thả vườn, 500 vịt trở lên, với tổng đàn gia cầm là trên 6 triệu con, tập trung ở xã Cẩm Lĩnh, Thụy An (Ba Vì), Nam Sơn (Sóc Sơn), Chương Mỹ, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.