(HNM) - Thực tế cho thấy, ít có lĩnh vực nào duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục như hoạt động đầu tư nước ngoài. Kết quả thu hút nguồn vốn này trong tháng 1-2016 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến tích cực của khu vực này trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.
Sản xuất máy in laser tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Diễn biến tích cực
Theo Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 1-2016 là 1,334 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các quốc gia khu vực Đông Nam Á... vẫn tiếp tục triển khai dự án mới tại Việt Nam.
Cùng thời gian trên, các dự án ĐTNN giải ngân được 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015. Các nhà ĐTNN đang thể hiện quyết tâm theo đuổi, thực hiện các dự án, mục tiêu kinh doanh ở Việt Nam một cách chủ động, có định hướng. Cũng cần nhấn mạnh rằng, kết quả giải ngân tăng tới 23,1% hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, cũng như ở các nước khác, nhất là trong bối cảnh hoạt động ĐTNN vẫn chưa hồi phục trên phạm vi toàn cầu. Thực tế này cho thấy hoạt động ĐTNN tại Việt Nam đang diễn biến rất tích cực.
Điểm sáng công nghiệp chế biến
Tháng 1-2015, các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào 16 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với 58 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 905,14 triệu USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2016 sẽ đánh dấu bước hội nhập ở mức cao nhất của Việt Nam với các đối tác quốc tế, nhất là thông qua một số hiệp định thương mại tự do mà đại diện là TPP. Trong đó, các đối tác có tiềm lực tài chính và công nghệ hùng mạnh nhất thế giới (chủ yếu là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ có điều kiện thuận lợi để đầu tư vào Việt Nam nhờ thuế được cắt giảm từng bước và tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ của Việt Nam. Riêng Nhật Bản và Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số thỏa thuận gồm chia sẻ cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp từ nước thứ 3 vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực… Đến nay, các DN Nhật Bản đã đầu tư hơn 40 tỷ USD vào Việt Nam. Trong khi đó, các DN Mỹ, EU cũng ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam, với hơn 90 triệu người tiêu dùng. Đầu tư vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc "mở cửa" vào ASEAN, vì Việt Nam và ASEAN đang tiến tới việc thực hiện thị trường mở theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN một cách đồng bộ.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng thông thoáng, tuân thủ cam kết với các đối tác quốc tế. DN ĐTNN sẽ được khuyến khích tham gia nhiều hơn cũng như vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, nhà ĐTNN đang nghiên cứu khả năng đầu tư vào những dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông, phát triển năng lượng. Dự báo, hoạt động ĐTNN tại Việt Nam năm 2016 sẽ còn diễn biến sôi động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.