Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư nước ngoài đang được cải thiện

Anh Minh| 31/08/2015 06:57

(HNM) - Tình hình thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang từng bước được cải thiện qua các tháng; từ đó tiếp tục khẳng định vị thế của một địa chỉ có sức hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á.

Lắp ráp linh kiện điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc). Ảnh: Bảo Lâm


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng năm 2015, số vốn đăng ký và cấp mới tăng thêm 8,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có dấu hiệu khả quan hơn là lượng vốn đăng ký mới đã gần "đuổi kịp" kết quả của cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) hoặc chính thức thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN thì dự báo sẽ sớm xuất hiện thêm nhiều dự án, kể cả những dự án quy mô lớn do nhà đầu tư nhắm tới mục tiêu được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0% đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Đây là điểm mạnh nổi bật và có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới đầu tư quốc tế.

Đại diện Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, Việt Nam còn có điều kiện tiếp nhận thêm vốn ĐTNN do làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư của các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang thực hiện từ khoảng vài năm nay. Đó là họ chủ động điều chỉnh địa bàn đầu tư, theo công thức Trung Quốc + 1 và Thái Lan + 1, tức là tìm quốc gia khác để từng bước "dàn đều" vốn, để không quá tập trung vào hai quốc gia nói trên. Thay vào đó sẽ là một nước khác trong khu vực và Việt Nam là một lựa chọn được ưu tiên nhờ một số tiềm năng, thế mạnh nổi trội, gồm lực lượng lao động rẻ, dồi dào; vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải hàng hóa xuất khẩu; môi trường chính trị ổn định trong khi môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục, nhanh chóng; thị trường gần 90 triệu người tiêu dùng… Cũng từ những yếu tố trên, các chuyên gia còn dự báo, chỉ trong thời gian từ nay đến cuối năm rất có thể sẽ xuất hiện một vài dự án có quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn, với số vốn trên 500 triệu USD/dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, bất động sản và công nghiệp chế tạo.

Bên cạnh đó, số vốn ĐTNN giải ngân đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện sự ổn định và gia tăng về số vốn mà nhà đầu tư đã thực hiện, chuyển đổi thành máy móc, công trình hạ tầng, phương tiện sản xuất thông qua các dự án cụ thể. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN cho biết, vốn giải ngân là vốn thực chất, cho thấy nhà đầu tư đã vào Việt Nam với niềm tin vào kết quả kinh doanh trong tương lai; từ đó họ sẽ tiếp tục mở rộng các dự án.

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn ĐTNN. Trước mắt, sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) trước ngày 15-9 để sớm đưa nội dung, quy định tiến bộ của hai luật này vào thực tiễn. Làm như vậy cũng là đáp ứng nhu cầu, sự mong đợi của hầu hết DN ĐTNN. Các bộ, địa phương cũng nghiên cứu, áp dụng cơ chế linh hoạt, ưu đãi một cách hợp lý để khuyến khích DN trong nước phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; từ đó tạo ra sự sẵn sàng trong việc cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các DN nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Như vậy, DN ĐTNN sẽ có điều kiện để hợp tác, tiếp nhận linh kiện do DN trong nước sản xuất với giá thành rẻ, lại không mất nhiều chi phí về vận tải, thời gian so với việc phải nhập khẩu từ nước thứ 3.

Ngoài ra, Chính phủ, chính quyền các địa phương chủ trương tăng tốc triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng như năng lượng, điện, đường sá, cảng biển… sẽ góp phần hoàn thiện hơn điều kiện vật chất, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Những yếu tố trên sẽ cộng hưởng để tạo sức hấp dẫn vốn ĐTNN. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn ĐTNN có đạt được như mong muốn hay không còn cần thu hẹp khoảng cách giữa nội dung, quy định tiến bộ trong chính sách với việc thực thi chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng làm phiền DN, nhất là về thủ tục hành chính; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nước ngoài đang được cải thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.