(HNM) - Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 cả nước cần khoảng 9.400 tỷ đồng để chống thất thu, thất thoát nước sạch, giảm tỷ lệ nước sạch thất thoát xuống còn 15%. Hiện nay, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch bình quân cả nước là 30%, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
* 9.400 tỷ đồng giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống 15%
* Kinh phí tiết kiệm được tương đương kinh phí bỏ ra
(HNM) - Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 cả nước cần khoảng 9.400 tỷ đồng để chống thất thu, thất thoát nước sạch, giảm tỷ lệ nước sạch thất thoát xuống còn 15%. Hiện nay, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch bình quân cả nước là 30%, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Việc chống thất thoát, thất thu nước sạch cần sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng chính quyền địa phương và đơn vị cấp nước. Ảnh: Nhật Nam |
Ý thức của người dân hay yếu kém trong quản lý?
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân cả nước đang ở mức 30%. So với những năm trước, tỷ lệ này đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều nước tiên tiến và các nước trong khu vực Đông Nam Á (bình quân khoảng 20%). Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch rất cao, trong khi lượng nước sản xuất của các đô thị này chiếm khoảng 40% tổng lượng nước sản xuất của các đô thị Việt Nam. Một kết quả điều tra đánh giá tình hình thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị Việt Nam cho thấy chỉ có 7/68 đơn vị có tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch thấp trong khoảng 14-16%. Cao hơn một chút, 8/68 đơn vị có tỷ lệ thất thoát 17-20%. Đa số (45/68 đơn vị) có tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch trong khoảng từ 20% đến 30%; còn lại 8 đơn vị tỷ lệ thất thoát hơn 35%.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thất thu, thất thoát nước sạch cao là do ý thức của người sử dụng kém, tình trạng trộm cắp nước sạch diễn ra nhiều nơi; bên cạnh đó công tác quản lý và các yếu tố kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó hệ thống đường ống cấp nước quá cũ kỹ. Thực tế tại Hà Nội, thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp ăn cắp nước sạch bằng cách khoan thẳng vào đường ống, lắp đặt đường ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo đếm; nhiều công trình thi công ngầm không đồng bộ, gây vỡ đường ống cấp nước, dẫn đến thất thoát lớn.
Trưởng phòng Thanh tra, Công ty TNHH Nhà nước MTV Kinh doanh nước sạch Hà Nội Bùi Quốc Huy cho biết, hiện tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch ở Hà Nội vào khoảng 30%, cơ bản là do hệ thống đường ống cấp nước quá cũ, lạc hậu. Cũng theo ông Bùi Quốc Huy, khoảng 30% tuyến ống dẫn nước ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hơn 30 năm sử dụng, các mối nối cũ, mục gây rò rỉ cũng góp phần làm tăng tỷ lệ thất thoát nước, làm bẩn nguồn nước và gây nguy hại cho đường ống chính, trong khi đó lượng nước sạch mà các đô thị lớn tiêu thụ chiếm tới 40% tổng lượng nước sạch của cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước cao còn do chưa có đồng hồ đo đếm, sử dụng nước sạch theo phương thức khoán; việc vận hành hệ thống cung cấp nước thiếu khoa học.
Ai chịu trách nhiệm?
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025, với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước bình quân toàn quốc xuống dưới 15%. Trong đó, hoạt động chính của chương trình gồm nâng cao nhận thức của cộng đồng; nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và năng lực quản lý của đơn vị cấp nước; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về chống thất thoát, thất thu nước sạch; đầu tư cải tạo thiết bị, mạng lưới cấp nước.
Hệ thống bể xử lý nước tại Nhà máy nước Nam Dư. Ảnh: Phương An |
Tổng mức đầu tư cho chương trình này khoảng 9.400 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách, vốn vay ODA không hoàn lại và vốn vay thương mại. Mặc dù tổng mức đầu tư rất lớn, song xét về hiệu quả, kinh phí tiết kiệm được cũng tương đương kinh phí bỏ ra. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Xây dựng, nếu đạt được tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm 5%, 7% và 3% theo mục tiêu của chương trình, tiền nước thu thêm đến năm 2015 đạt 2.300 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 6.320 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 8.370 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 16.730 tỷ đồng. Ngoài ra, qua việc tiết kiệm nước sạch, sức ép phải đầu tư xây dựng các nhà máy nước mới sẽ giảm bớt, từ đó tiết kiệm được chi phí khai thác, quản lý, vận hành nhà máy, mạng lưới phân phối, giảm giá thành nước sạch. Ước tính, đến năm 2025, lượng nước tiết kiệm được khoảng 1,3 triệu mét khối/ngày đêm, tương đương khoảng 9.100 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy nước để sản xuất 1,3 triệu mét khối nước này.
Theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Tôn, muốn chống thất thoát nước sạch hiệu quả cần phải có sự đầu tư, trước hết là nâng cao năng lực quản lý thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, lập bản đồ từng khu vực, phân vùng, tách mạng... "Do mạng đường ống cũ, có từ hàng chục năm, hồ sơ thất lạc, đơn vị quản lý không thể biết nổi hệ thống đường ống đi như thế nào. Hơn nữa, đường ống đi ngầm dưới lòng đất nên những điểm rò rỉ nhỏ không thể phát hiện qua quan sát mà phải sử dụng máy móc, thiết bị dò tìm tiên tiến. Chống thất thoát nước phải có đầu tư chứ không thể nêu khẩu hiệu suông"- ông Nguyễn Tôn nói. TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ, chống thất thoát, thất thu nước sạch là trách nhiệm của địa phương, vì vậy địa phương phải chủ động tìm vốn, đề ra giải pháp. Nếu không có đủ nguồn lực làm cùng một lúc thì chia khu vực, nơi cấp thiết đầu tư trước. Nói cách khác, ngoài kinh phí, còn cần quyết tâm và ý chí của chính quyền đô thị.
Quan điểm này cũng đã được Bộ Xây dựng đề xuất, trước mắt các địa phương cần sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý cấp nước trên địa bàn, thành lập bộ phận chuyên trách chống thất thoát, thất thu nước sạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt. Xây dựng chỉ tiêu chống thất thoát, thất thu nước sạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; đồng thời lập dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch (gồm đánh giá thực trạng mạng lưới, việc quản lý vận hành, các chỉ tiêu cần đạt được, nguồn lực huy động và sự tham gia của cộng đồng)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.