Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng chống ngập: Vẫn lo ngại về... hiệu quả

Hà Phạm| 15/04/2016 07:23

(HNM) - Các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh dự kiến xin thêm vốn với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư chống ngập. Trước con số vừa được báo cáo cũng như giải pháp thực hiện, các nhà khoa học, các chuyên gia đã hết sức lo ngại về tính hiệu quả của chương trình này...

Cách chống ngập hiện nay tại TP Hồ Chí Minh chưa mang lại nhiều hiệu quả.


Xin thêm hàng chục nghìn tỷ đồng

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (viết tắt là TTCN), cho biết: Để chống ngập cho TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, cần 2 nhóm giải pháp là phi công trình và công trình. Trong đó, nhóm giải pháp công trình với quy hoạch tổng thể rộng hơn 580km2 được chia làm 6 vùng thoát nước gồm: Trung tâm, Bắc, Tây, Nam, Đông Bắc và Đông Nam. Dự kiến, cần nguồn vốn thực hiện khoảng 442.000 tỷ đồng, hiện đã được đầu tư 21.400 tỷ đồng.

Đồng thời, cần quy hoạch thủy lợi với tổng diện tích hơn 968ha, gồm: Khu vực TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, với nhu cầu vốn khoảng gần 70.000 tỷ đồng, hiện đã đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống hồ điều tiết với khoảng hơn 100 vị trí tại các quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp và huyện Bình Chánh. Cũng theo TTCN, để cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 84 dự án, dự kiến kinh phí hơn 11.600 tỷ đồng.

Mặc dù đã đổ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng theo TTCN, hiện thành phố chỉ mới nạo vét được hơn 60km trong số gần 5.100km hệ thống sông, kênh, rạch (chiếm tỷ lệ hơn 1,1%). Mặt khác, hệ thống cống thoát nước chỉ đạt được khoảng 40% (gần 2.600/6.000km) so với yêu cầu của quy hoạch, chủ yếu tập trung trong vùng trung tâm thành phố.

10 năm tới, hết ngập?

Các nhà khoa học và chuyên gia cho rằng, những giải pháp mà TTCN đưa ra không có gì đột phá. Chưa kể, với tình hình nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay, quy mô đầu tư như trên khó có thể thực hiện được. Đáng nói, việc quản lý hệ thống thoát nước hiện còn chồng chéo giữa nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Cụ thể, theo PGS.TS Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong, các thông số thiết kế theo quy hoạch của ngành chức năng không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư đã trở nên quá tải. Tình trạng san lấp mặt bằng, đô thị hóa các vùng đất tự nhiên thấp trũng làm giảm tính hiệu quả của chức năng điều tiết triều tự nhiên. "Nếu không khắc phục những yếu điểm này thì việc đầu tư với nguồn vốn lớn cũng không mang lại hiệu quả", PGS.TS Trịnh Công Vấn cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), thời gian tới, TP Hồ Chí Minh nên chuyển hướng phát triển lên phía Tây Bắc và Đông Bắc vì đó là vùng cao, còn vùng đất thấp phía Nam (vốn được coi là túi chứa nước) cần hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, hạ tầng đô thị quy mô lớn, nhằm dành đất dự trữ, đề phòng ngập sâu. Đồng thời, cần thực hiện giải pháp "mềm", cụ thể là bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn (hiện thành phố có gần 76.000ha ở huyện Cần Giờ) - đây được xem là những "bức tường xanh" có tác dụng phòng hộ trước gió và sóng biển.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, bổ sung khuyến nghị: Thành phố chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều (con nước lên xuống 2 lần/ngày), mỗi tháng có hai đợt thủy triều dâng cao (triều cường). Với đặc điểm trên, thành phố cần quy hoạch cô lập vùng ngập và giải quyết dứt điểm theo từng vùng. Đây là cách tiếp cận mềm trong kiểm soát rủi ro ngập, mang tính bền vững cao.

Thẳng thắn phân tích, ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng D&C (một trong 5 đơn vị nghiên cứu quy hoạch thoát nước TP Hồ Chí Minh) cho rằng, TP Hồ Chí Minh có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, điều này tạo thuận lợi hình thành những hồ điều tiết nước, thay vì phải xây dựng hệ thống hồ điều tiết mà TTCN đưa ra. "Nếu thành phố kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ và có cách làm thực tế và khoa học thì nhanh nhất cũng phải từ 5 đến 10 năm nữa, công tác chống ngập mới mong khả quan" - ông Công khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng chống ngập: Vẫn lo ngại về... hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.