Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư công trình nước sạch nhờ nguồn vốn chính sách

Ngọc Quỳnh| 16/06/2017 07:04

(HNM) - Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện đã giúp hàng triệu hộ gia đình nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội tiếp cận nguồn vốn vay để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình nước sạch...


Sau gần 14 năm triển khai, chương trình đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn Hà Nội vay vốn đầu tư, có thêm nhiều công trình nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Chuyên, xã Thụy Lâm (Đông Anh) cho biết: Trước đây, nhà tắm, nhà vệ sinh của gia đình đều tạm bợ, mọi sinh hoạt đều dùng nước giếng khoan và nước mưa để ăn.

Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của gia đình. Kể từ khi tiếp cận và được vay 6 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với số tiền tiết kiệm, gia đình bà đã xây công trình khép kín gồm: Nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, nên mọi sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn nhiều.

Hiện nay, mức cho vay của Ngân hành Chính sách xã hội tối đa là 6 triệu đồng/công trình/hộ gia đình, lãi suất là 0,75%/tháng. Nhìn chung, về thủ tục giấy tờ, lãi suất vay và thời gian vay tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Song, mức vay như hiện nay còn thấp, do vậy, nhiều hộ dân không đủ kinh phí để xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

Theo Tổ trưởng Hội Nông dân thôn Mạnh Tân, xã Thụy Lâm (Đông Anh) Phạm Thị Thắm: Hiện nay, dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tổ đạt 108 triệu đồng, nhưng với mức vay 6 triệu đồng/công trình/hộ gia đình, so với nhu cầu của các hộ gia đình vay vốn chưa đáp ứng được chi phí xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn, dẫn tới nhiều hộ gia đình đầu tư chắp vá. Còn bà Nguyễn Thị Tính ở huyện Đông Anh cho biết: "Để xây dựng hầm biogas và các công trình phụ trợ bảo đảm chất lượng, gia đình tôi phải có từ 20 đến 30 triệu đồng mới đủ kinh phí. Nguồn vốn vay hiện nay của Ngân hàng Chính sách xã hội mới đáp ứng một phần nhu cầu, trong khi đó điều kiện gia đình còn khó khăn, nên vất vả khi triển khai xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn".

Trước những khó khăn và nhu cầu cần thiết, nhiều người dân kiến nghị bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ nghiên cứu nâng mức cho vay tối đa lên 12 triệu đồng/công trình/hộ gia đình để phù hợp với chi phí và giá cả hiện nay. Trao đổi về vấn đề trên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Hoàng Liên Sơn cho biết: Dư nợ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến ngày 31-5-2017 toàn thành phố đạt 1.155 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Vì vậy, thời gian tới, để có nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh bảo đảm chất lượng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT trình Chính phủ nâng mức cho vay chương trình này cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ yêu cầu các phòng giao dịch ở địa phương đẩy mạnh thu nợ, thu lãi đúng kỳ hạn với mục đích để nguồn vốn được xoay vòng, tạo cơ hội cho những hộ khác được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Trong bối cảnh nhiều nơi nguồn nước chưa bảo đảm, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân, để các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn, các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn; xây dựng công trình theo đúng kỹ thuật, không gây lãng phí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công trình nước sạch nhờ nguồn vốn chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.