(HNM) - Qua hoạt động thực tế trên địa bàn Thủ đô có thể thấy một số vấn đề nổi lên cần có biện pháp tháo gỡ để phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của MTTQ các cấp trong công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng.
LTS: Những năm qua, MTTQ Việt Nam đã làm tốt chức năng vận động, tập hợp, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời kỳ đất nước đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH, MTTQ Việt Nam còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Điều đó đã giúp cho việc nhanh chóng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đồng thời góp phần xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, qua hoạt động thực tế trên địa bàn Thủ đô có thể thấy một số vấn đề nổi lên cần có biện pháp tháo gỡ để phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của MTTQ các cấp trong công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng.
Bài 1: Cơ chế phải ngang tầm nhiệm vụ
Theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, MTTQ có quyền giám sát các công trình triển khai trên địa bàn có vốn đầu tư của Nhà nước, cộng đồng, người dân; theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công; phát hiện các vi phạm quy định quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn, xử lý, chống lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước… Nhưng thực hiện những nhiệm vụ trên là không dễ dàng khi thiếu cơ chế, chính sách cụ thể.
Giám sát đầu tư tại cộng đồng là công việc khó khăn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của các cơ quan chức năng. Ảnh: Bá Hoạt |
Đa dạng các chiêu né giám sát
Phát biểu tại cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư tại cộng đồng do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội vừa tổ chức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng Đặng Văn Hội trăn trở: Hiện Mặt trận mới chỉ giám sát được một số công trình do cộng đồng đóng góp hoặc các công trình phúc lợi do UBND xã, phường làm chủ đầu tư. Ví dụ, trạm bơm Đan Hoài thuộc địa bàn hai xã Liên Hà và Liên Trung (Đan Phượng) là công trình có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân nhưng Mặt trận cũng không thể tham gia giám sát. Nguyên nhân là chủ đầu tư công trình và đơn vị thi công không công khai thông tin về dự án như Quyết định 80/2005/QĐ-TTg đã quy định và cũng không có chế tài bắt buộc họ phải thực hiện quyết định này. Đây cũng là lý do cán bộ mặt trận không thể tiếp cận được với phần lớn dự án do cấp quận, huyện, thành phố hay các bộ, ngành của trung ương làm chủ đầu tư.
Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 11, xã Thạch Hòa (Thạch Thất) Mai Văn Nhuần cho biết: Tại các công trình lớn nằm trên địa bàn như đường 419, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội, KCN cao… đều được rào chắn, có biển "Không nhiệm vụ cấm vào". Liên hệ công tác thì nhân viên bảo vệ trả lời thẳng thừng, đây là công trình cấp quốc gia, do các bộ, ngành thực hiện, cán bộ cấp xã không có nhiệm vụ ở đây. Cũng theo phản ánh của cán bộ Mặt trận cơ sở, nhiều công trình địa phương không thể biết ai làm chủ đầu tư, quy mô, thiết kế, dự toán kinh phí… thế nào thì làm sao có thể thực hiện công tác giám sát?
Với các dự án do cộng đồng đóng góp, chính quyền cơ sở làm chủ đầu tư, công tác giám sát của Mặt trận lại gặp rào cản khác. Tại xã Đức Thượng (Hoài Đức), nhiều dự án không thực hiện công khai danh mục thi công, thiết kế, mẫu nguyên vật liệu, dự toán kinh phí… Khi Ban giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) yêu cầu công khai thông tin, cung cấp bản thiết kế, dự toán kinh phí thì chủ thầu lờ đi, đến khi tiến độ công trình chậm, chủ thầu đổ lỗi ngay cho BGSĐTCĐ gây khó dễ. Trưởng BGSĐTCĐ thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì) Lê Văn Cơ than thở: BGSĐTCĐ thay phiên nhau túc trực cả ngày ở công trường thi công trường mầm non trên địa bàn. Đến chập tối, BGSĐTCĐ tranh thủ về nhà ăn cơm, chủ thầu ồ ạt cho tập kết nguyên vật liệu rồi quây kín khiến BGSĐTCĐ không thể phát hiện việc sử dụng gạch non, xi măng mác thấp, sắt không đúng tiêu chuẩn… Khi thi công các hạng mục, chủ thầu tập trung nhân lực làm liền một mạch từ 9h tối đến sáng hôm sau, đặt tình thế vào sự đã rồi khiến BGSĐTCĐ gặp rất nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ…
Trên đây chỉ là vài ví dụ mà người trong cuộc kể lại, còn trên thực tế, những "chiêu thức" để né tránh công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng rất "muôn hình vạn trạng".
Lúng túng, thiếu thực chất
Giám sát đầu tư tại cộng đồng là công việc khó khăn, không có thù lao, thường gặp sự chống đối của chủ đầu tư, nhà thầu; nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ, can thiệp kịp thời của chính quyền, công tác giám sát không thể đáp ứng yêu cầu. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn Nguyễn Đăng Hải cho biết: "Ngay tại một số công trình do xã làm chủ đầu tư, Mặt trận cũng không thể giám sát. Đây là điều hết sức tế nhị, bởi UBND là cơ quan cấp kinh phí hoạt động cho MTTQ, nếu chẳng may làm mếch lòng lãnh đạo cơ sở thì rất có thể kinh phí hoạt động của MTTQ các năm tiếp theo sẽ bị cắt giảm do một số lý do rất "hợp lý" và "khách quan". Vì lý do này, nhiều BGSĐTCĐ chọn cách lờ đi không giám sát các công trình do địa phương làm chủ đầu tư. Điển hình, tại xã Tân Minh (Sóc Sơn), công trình xây dựng hội trường UBND xã có nhiều vi phạm về khối lượng thi công, chất lượng nguyên - vật liệu. Cán bộ Mặt trận của xã đã nhiều lần kiến nghị về các vi phạm Quyết định 80/2005/QĐ-TTg nhưng chính quyền xã không hồi âm, chủ thầu thách thức: "Ông không ký thì tôi vẫn quyết toán được".
Tại các xã ngoại thành, trước đòi hỏi giám sát nhiều công trình cùng lúc trên địa bàn; lại không có ai giám sát công tác giám sát của MTTQ, nhiều BGSĐTCĐ đối phó bằng cách chỉ thực hiện giám sát các dự án, công trình đơn giản còn bỏ qua các dự án không rõ chủ đầu tư, quy mô lớn, nhiều hạng mục, phức tạp… Ở xã Phú Sơn (Ba Vì), do địa bàn cùng lúc triển khai nhiều dự án của thành phố, Chủ tịch MTTQ xã không kiểm tra, đôn đốc nên BGSĐTCĐ đã "quên" nhiệm vụ giám sát cho nhàn, lại an toàn, không đụng chạm ai. Chuyện tương tự cũng thể hiện rõ ở báo cáo kết quả công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng 6 tháng đầu năm 2013 của các quận, huyện như Hà Đông, Hoài Đức, Ứng Hòa… Trong khi quá trình đô thị hóa ở thành phố diễn ra mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới, khu vực nông thôn dồn lực tập trung cho việc xây dựng nông thôn mới; tại các xã, phường không thể nói là tất cả các công trình đều bảo đảm hoàn toàn đúng thiết kế, kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng, khối lượng thi công… Vậy nhưng theo báo cáo, kết quả giám sát 6 tháng đầu năm 2013 của hàng chục xã, phường trong thành phố đều rất êm ả, không có vấn đề gì đặc biệt xảy ra. Liệu kết quả đó đã phản ánh đúng tình hình thực tế?
PGS.TS Bùi Xuân Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) khẳng định: "Những quy định về giám sát của MTTQ trong Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác còn chung chung, chưa có cơ chế cũng như điều kiện bảo đảm". Đây là nguyên nhân chính khiến công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng của Mặt trận chưa phát huy được hiệu quả, thiếu thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.