Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố hiện có 250 doanh nghiệp chế biến nông sản được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và hơn 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản, thực phẩm. Thế nhưng, có tới hơn 80% cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ. Đây là hạn chế lớn của ngành Nông nghiệp Thủ đô, do đó thời gian tới cần gia tăng đầu tư để nâng cao giá trị nông sản.
Đáp ứng được 28% sản lượng nông sản cho chế biến
Để đáp ứng đủ sản lượng nông, lâm, thủy sản cho lĩnh vực chế biến, ngành Nông nghiệp Thủ đô phải cung cấp khoảng 5.350 tấn nông sản mỗi tháng. Thế nhưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng đánh giá, sản lượng nông sản phục vụ cho khâu chế biến của Hà Nội hiện mới đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, đáp ứng được 28% nhu cầu.
Trên thực tế, ngoài 250 doanh nghiệp, hơn 1.700 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, Hà Nội còn khoảng 1.421 hợp tác xã, hộ cá thể tham gia thực hiện chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng ở địa phương.
Ông Phạm Minh Thắng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành chế biến nông sản của Hà Nội còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hệ thống máy móc, cơ sở chế biến nông sản của Hà Nội cũng chưa được đầu tư, vẫn còn lạc hậu so với nhu cầu phát triển hiện nay.
“Đây là điều khó tránh khỏi, bởi Hà Nội và hầu hết các địa phương chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản”, ông Phạm Minh Thắng nhấn mạnh.
Còn Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, nhiều năm nay, Hà Nội đã quan tâm và đầu tư cho chế biến nông sản, như: Xây dựng các vùng trồng để đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu; nâng cao chất lượng nông, lâm sản trong sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70-80%); các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao còn ít.
Mặc dù tỷ lệ chế biến nông sản Hà Nội còn thấp, nhưng thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm đến khâu chế biến. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đầu tư máy móc cũng như được sự hỗ trợ lớn từ địa phương. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chia sẻ, đến nay, huyện có khoảng 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được trang bị máy móc cho chế biến hiện đại, doanh thu đạt từ 5 đến 10 tỷ đồng/năm.
Khai thác thế mạnh
Đầu tư cho chế biến nông sản là hướng đi hiệu quả để nâng cao giá trị cho ngành Nông nghiệp Thủ đô trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp. Đây cũng là giải pháp cho bài toán xuất khẩu nông sản của Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, Hà Nội là trung tâm, đầu tàu khoa học của cả nước và cũng là địa phương có những chính sách đầu tư lớn cho ngành Nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để khai thác tối đa nguồn lực của ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Còn Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, sản phẩm nông sản có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này. Chưa kể, sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô.
Trong những năm qua, Hà Nội đã quan tâm, đầu tư nhiều cho chế biến. Điển hình nhất là việc quy hoạch, xây dựng các vùng trồng, chăn nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội có nhiều sản phẩm có thể chế biến để xuất khẩu, như: Hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; hơn 5.000ha rau an toàn; 100ha rau hữu cơ… Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp chế biến tham gia liên kết các vùng trồng đạt chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi cũng như chế biến.
Cùng với liên kết, ngành Nông nghiệp đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ sở chế biến (quản lý, truy xuất nguồn gốc).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương của thành phố nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô; kết nối với các doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu phục vụ việc sản xuất...
“Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu, đề xuất thành phố quan tâm kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường...”, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.