Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu tranh từ nội tại

Tuấn Kiệt| 12/08/2017 06:14

(HNM) - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) vừa khởi tố vụ án để điều tra làm rõ về hành vi buôn lậu liên quan đến việc 213 container hàng điện tử quá cảnh đứng tên 56 doanh nghiệp bỗng nhiên


Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu cán bộ hải quan thực hiện không đúng thủ tục, can thiệp vào hệ thống hải quan điện tử để xóa các quy trình chuẩn đối với hoạt động quá cảnh của hàng hóa, cố ý hủy hoặc không lưu trữ đúng quy định về hồ sơ thông quan hàng hóa…

Dân gian có câu nói châm biếm “con voi chui lọt lỗ kim”. Nhưng ở sự việc nói trên có thể gọi là cả "đàn voi chui lọt lỗ kim", cho thấy những lỗ hổng quá lớn trong công tác phòng chống buôn lậu hiện nay.

Thực tế cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua chưa bao giờ bớt phức tạp, những mặt hàng luôn "nóng" trong cuộc chiến chống buôn lậu như thuốc lá, phân bón, mỹ phẩm, hàng điện tử, xăng dầu, khoáng sản... Cơ quan Hải quan cũng đã phát hiện được nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhưng đáng tiếc trong nhiều vụ có hiện tượng cán bộ bao che, tiếp tay cho buôn lậu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, cần nhận diện rõ ràng những tồn tại trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, như cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, các lực lượng chức năng phối hợp chưa chặt chẽ... Và trên hết là phải thẳng thắn thừa nhận những sai sót và trách nhiệm trong quản lý.

Thử hỏi, trách nhiệm giám sát, quản lý, hậu kiểm của lực lượng Hải quan, Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường ở đâu khi mà không phải là những "chiếc kim" nhỏ bé, mà là hàng trăm container hàng hóa đã dễ dàng lọt qua cửa cảng? Trách nhiệm có thể thuộc về nhiều lực lượng liên quan, nhưng chủ chốt vẫn là vai trò “gác cửa” của Hải quan.

Thời gian qua, ngành Hải quan đã có rất nhiều đổi mới tích cực, nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng trên cả máy móc, công nghệ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Bởi dù công cụ kiểm tra, soi chiếu, thiết bị có hiện đại, nhưng con người thực thi không nghiêm thì hàng lậu vẫn là “con voi chui lọt lỗ kim”.

Cùng với tăng cường các biện pháp đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thì các lực lượng có trách nhiệm cần thường xuyên thanh, kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khập khẩu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho những hành vi gian lận thương mại. Cần thiết phải có các quy trình nghiệp vụ thanh tra Hải quan, có hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá rủi ro về hải quan cho từng loại đối tượng thanh tra; quy định cụ thể để kỷ luật, điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cũng cần đến sự giám sát của các doanh nghiệp chân chính. Đấu tranh chống nhũng nhiễu tiêu cực chính là tạo sự công bằng trong kinh doanh. Đó cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp góp phần giữ kỷ cương luật pháp. Người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đấu tranh, không chỉ để giúp làm trong sáng đội ngũ thực thi công vụ mà còn vì quyền lợi của chính bản thân doanh nghiệp và góp sức đẩy lùi tệ nạn nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đấu tranh từ nội tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.