Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tiên phải học làm người, trau dồi đạo đức, lối sống

Vương Tuấn Anh| 05/03/2017 07:02

(HNM) - Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn...


GS.TS Nguyễn Ngọc Phú.


Những thay đổi tích cực

- Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã để lại những dấu ấn nhất định. Giáo sư đánh giá thế nào về sự chuyển biến của ngành Giáo dục thời gian qua?

- Tôi được biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đã có những chuyển động rất tích cực ở tất cả các khâu. Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến quyết tâm “hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT”, “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành để phát hiện những văn bản bất cập, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế”, “kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp”... Tôi tin rằng với những quyết tâm đó, lĩnh vực GD-ĐT trong vài năm tới và đặc biệt năm nay sẽ có nhiều thay đổi mang tính cách mạng.

- Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30 về việc đánh giá học sinh tiểu học với nhiều điểm mới. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này thế nào?

- Thông tư 22 quy định rõ, chặt chẽ hơn về đánh giá thường xuyên và định kỳ đối với học sinh. Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi giúp đỡ các em rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất. Đánh giá định kỳ về học tập của học sinh đã thay đổi từ 2 mức (hoàn thành và chưa hoàn thành) lên 3 mức (hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành); thay đổi từ 2 lần đánh giá (học kỳ I và cuối năm học) thành 4 lần đánh giá (vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học) giúp cho việc đánh giá học sinh chính xác hơn. Đối với học sinh lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập.

Bên cạnh đó, việc đánh giá định kỳ về năng lực, phẩm chất theo 3 mức là tốt, đạt và cần cố gắng. Việc điều chỉnh cách khen thưởng theo 3 mức: Học sinh hoàn thành xuất sắc; học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất; khen thưởng đột xuất cho những em có thành tích đột xuất trong năm học. Về sổ sách, hồ sơ: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục được lưu giữ tại nhà trường theo quy định, đồng thời giáo viên được trao quyền chủ động theo dõi sự tiến bộ của học sinh và có thể ghi chép lưu ý riêng của mình với từng học sinh.

Rõ ràng Thông tư 22 là một sự chuyển biến mới, tích cực hơn. Tôi cho rằng, những điểm thay đổi tiến bộ trên đã giúp các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Đảng. Đội ngũ giáo viên các trường tiểu học phấn khởi hơn. Được biết, phụ huynh cũng yên tâm hơn về việc học của con em mình. Đương nhiên, chúng ta cũng cần cùng với Bộ, với các bậc phụ huynh, lãnh đạo các sở, các nhà trường địa phương tiếp tục nghiên cứu để có những sửa đổi bổ sung tiếp cho tốt hơn nếu cần.

Phải trau dồi về phẩm chất đạo đức

- Đội ngũ giáo viên trong nhà trường là nhân tố quyết định đến việc đổi mới phương pháp giáo dục. Vậy theo Giáo sư, chúng ta phải làm gì để tạo bước đột phá trong vấn đề này?

- Đội ngũ thầy cô giáo có vị trí quyết định đến sự thành bại trong cải cách giáo dục nói chung và thành công của đổi mới phương pháp giáo dục nói riêng, bởi các thầy cô giáo là người trực tiếp thực thi. Có nhiều việc phải làm liên quan đến nhiều cấp khác nhau, nhưng theo tôi, chủ thể là các thầy cô phải tự giáo dục mình. Cùng với việc nâng cao kiến thức tổng hợp, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, người thầy cũng phải tự trau dồi toàn diện về phẩm chất đạo đức và nhân cách. Để giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới, việc bồi dưỡng giáo viên phải được thực hiện theo một quy trình chặt như: Khảo sát để đánh giá thực trạng, phân loại đối tượng và nắm bắt nhu cầu của giáo viên; xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhân sự; biên soạn tài liệu chuẩn bị các điều kiện mở lớp bồi dưỡng...

- Nhưng có lẽ, phẩm chất đạo đức nói chung và đạo lý thầy - trò nói riêng đang có hiện tượng mai một trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này thế nào?

- Tôi cho rằng, điều quan trọng, đầu tiên với học sinh là học làm người, trau dồi về đạo đức, lối sống. Mục tiêu của giáo dục không chỉ dạy nghề, dạy cách kiếm sống mà phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, sự thực dụng, vị kỷ, ưa thích sự đổi chác theo kiểu “sòng phẳng” của cơ chế thị trường đã dẫn tới nhận thức tiêu cực của một bộ phận học sinh, sinh viên cho rằng, chỉ cần bỏ tiền ra là có thể “mua” được chữ mà không cần quan tâm đến việc hành xử theo đúng chuẩn mực đối với thầy cô. Với người thầy, hành vi ứng xử phải là tấm gương về mọi mặt để học trò noi theo. Trong mọi tình huống, các thầy cô phải dám đối mặt với những sai lầm do mình gây ra để sửa chữa và cầu tiến bộ, không thể như cách hành xử của cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vừa qua. Hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của người thầy sẽ làm mất dần niềm tin và tạo ra những tác động phản giáo dục với học trò.

- Vì thế đòi hỏi các trường sư phạm không chỉ đơn thuần trao cho người thầy tương lai tri thức khoa học chuyên ngành mà còn phải trang bị kiến thức về đạo đức, về giáo dục học, tâm lý học để ứng xử tốt hơn với mọi người, thưa Giáo sư?

- Đúng vậy! Các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm phải có những cải cách mạnh mẽ về mọi mặt. Nâng cao phẩm chất đạo đức, tri thức về tâm lý học, giáo dục học không chỉ là đòi hỏi riêng cho đào tạo thầy cô giáo tại các trường sư phạm mà còn cần cho các trường đại học khác, bởi lẽ trong thực tế các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư đều sẽ làm việc, va chạm với con người nên rất cần có các kiến thức này. Cũng có lúc các cán bộ, chuyên gia này tham gia đào tạo các chuyên gia khác nên rất cần các tri thức trên thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình.

Hướng tới phát triển năng lực người học

- Nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện tốt hơn việc phân luồng ngay sau khi học sinh học xong THCS để định hướng nghề nghiệp. Giáo sư nhận định thế nào về vấn đề này?

- Việc đổi mới thi THPT quốc gia 2016 và những đổi mới tiếp năm 2017 đã giảm tải khá lớn cho học sinh... Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta mới giải quyết phần ngọn, chưa phải ở phần gốc. Sau khi học xong cấp phổ thông, học sinh vẫn bị ùn tắc trước "cây cầu qua sông" vào đại học. Nếu chúng ta có cách làm ra nhiều "cây cầu qua sông", chủ động kiểm soát phân chia các em qua các "cây cầu" đó một cách dễ dàng thì tình hình sẽ khác. Đây chính là gốc của vấn đề, tức là chúng ta cần tổ chức định hướng phân luồng sớm cho học sinh. Chúng ta cần tổ chức tốt hơn phân luồng học sinh từ lớp 9, huy động nhân lực để xây nhiều "cây cầu" khác nhau giúp các em “vượt sông” vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề… một cách thuận lợi, đừng để các em bị ùn tắc ở một "cây cầu" duy nhất. Trước mắt cần huy động các chuyên gia giỏi để triển khai ngay các công việc cụ thể.

- Như vậy, việc đổi mới chương trình giảng dạy, đặc biệt là nội dung sách giáo khoa cần phải theo hướng nào?

- Tôi được biết Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai vấn đề này. Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải chú ý tới định hướng nghề nghiệp, thiết kế theo hướng tự chọn và theo chuyên đề để học sinh có bước chuẩn bị cho việc chọn ngành, nghề tương lai. Chương trình mới cần tạo ra động lực phát triển cho giáo dục phổ thông, bảo đảm được tính hệ thống, tức mỗi môn học, mỗi nội dung trong từng môn, giữa các môn và giữa các cấp, lớp đều được tính toán sao cho liên đới với nhau, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu. Theo tôi, sách giáo khoa phải tinh, khái quát, hiện đại, ngắn gọn, chuẩn xác trong việc trang bị những tri thức "chìa khóa" giúp học sinh tự mở cửa kho tàng tri thức nhân loại, tự học tiếp nếu hứng thú và có nhu cầu vì các em không thể có nhiều thời gian để tiếp nhận.

- Làm thế nào để chúng ta có thể sớm chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, thưa Giáo sư?

- Đây là một vấn đề lớn và còn nhiều việc phải làm. Nhưng theo tôi, ngành Giáo dục phải quyết tâm chuyển mình mạnh hơn nữa, nhất là các thầy cô giáo phải tự trau dồi nhiều hơn về trình độ tri thức để theo kịp thời đại nhằm đáp ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Thầy cô phải tự trau dồi về lương tâm nghề nghiệp vì là người kiến tạo, xây dựng con người của tương lai và phải say sưa cho đổi mới, tìm tòi những phương pháp dạy học mới, hấp dẫn, hiệu quả để đào tạo cho được những người thực học, thực nghiệp.

Các nội dung nêu trên đều là những vấn đề mà Hội chúng tôi đang quan tâm. Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu, Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam sẵn sàng phối hợp để cùng thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tiên phải học làm người, trau dồi đạo đức, lối sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.