(HNM) - Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giới mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều chuyển động bằng việc mở những hướng đi mới để tăng chất lượng chuyên môn, thu hút các nghệ sĩ tiếp tục theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, phát triển thị trường, tìm đầu ra cho các tác phẩm. Trên bước đường xây dựng công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, đây là tín hiệu khả quan...
Những chuyển động mới
Sau khi ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức, dự án nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số nghệ thuật “Cổng trời” đã nhận được sự hưởng ứng của giới nghệ thuật nước nhà. Sự kiện hợp tác giữa cộng đồng nghệ thuật nổi bật trên mạng xã hội Viet Art Now và nhóm dự án “Cổng trời” cuối tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, là tín hiệu triển vọng cho hoạt động này. Bởi, Viet Art Now hiện quy tụ hơn 11.000 thành viên, là kênh trao đổi, giới thiệu hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật đương đại chất lượng của các họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam.
Theo họa sĩ Phạm An Hải, thành viên sáng lập Viet Art Now, việc kết hợp với nhóm dự án “Cổng trời” để sử dụng công nghệ NFT (Non Fungible Token) đưa các tác phẩm nghệ thuật thành dạng kỹ thuật số sẽ tăng bảo chứng và thêm giá trị cho tác phẩm. Khi đó, một tác phẩm nghệ thuật ngoài đời sống thực (vật thể) với các hoạt động truyền thống, còn một đời sống mới là trực tuyến (phi vật thể) với các hoạt động giới thiệu, trao đổi trên internet. Điều này tạo thêm nguồn thu nhập cho tác giả, kích thích thị trường mỹ thuật Việt phát triển, hội nhập quốc tế.
Trước đó, cùng với các sàn đấu giá thực địa, nhiều sàn giao dịch trực tuyến uy tín được mở ra, tạo nên kênh tiêu thụ tác phẩm nghệ thuật Việt Nam hiệu quả, như không gian nghệ thuật Việt Nam - Vietnam Art Space, sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của Công ty cổ phần Tầm nhìn mỹ thuật Đông Dương - Indochine Art…
Khác với mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam chưa có thị trường sôi nổi, các hoạt động giao dịch tác phẩm hầu hết dưới hình thức cá nhân, nhưng lĩnh vực này cũng có chuyển động mới. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ngọc Tuấn - người sáng lập không gian nhiếp ảnh Noirfoto Darkroom (thành phố Hồ Chí Minh) còn xây dựng các chương trình, khóa học trải nghiệm sáng tác và in ảnh thủ công, truyền thống để người yêu nhiếp ảnh tham gia sáng tác và bán tác phẩm của mình…
Trong tháng 5 và tháng 6 sẽ diễn ra chương trình “Photo Hanoi ’21” do Viện Pháp tại Hà Nội khởi xướng, gồm chuỗi hoạt động triển lãm, khóa học, tọa đàm trực tuyến, thực hành nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh và khán giả tại nhiều địa điểm văn hóa của Thủ đô. Có thể kể đến là triển lãm “Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao”, “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu”, “Mê Kông - Chuyện đôi bờ”; trải nghiệm thực tế tại làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)…
Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon cho biết, chương trình “Photo Hanoi ’21” nhằm tạo kênh giao lưu, gặp gỡ nghệ sĩ, tác phẩm và người yêu nhiếp ảnh hiện đại, mở những lối đi mới để nghệ sĩ Việt đưa tác phẩm đến công chúng...
Hướng đến chuyên nghiệp
Nhu cầu thưởng thức và sở hữu các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của công chúng nước ta khá triển vọng. Anh Lê Trọng Nam (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi thích mua tác phẩm nghệ thuật vừa để bài trí trong không gian gia đình, vừa là món đầu tư, nhưng tìm tác phẩm phù hợp, tránh tranh giả hay ảnh sao chép không dễ. Tôi mong có nhiều trung tâm giao dịch nghệ thuật uy tín tư vấn, hỗ trợ người yêu nghệ thuật”.
Hoạt động nhiều năm trong giới mỹ thuật, theo họa sĩ Đỗ Hiệp, để tránh hiện tượng làm giả, làm nhái, sao chép, các nhà đầu tư Việt Nam có xu hướng tìm đến tác phẩm của tác giả đương đại, đang sáng tác, được đăng ký quyền tác giả. Vì thế, nghệ sĩ có nhiều cơ hội tìm đầu ra cho tác phẩm của mình. Các nghệ sĩ cũng nên giới thiệu, ký gửi tác phẩm tại những cơ quan, tổ chức, bảo tàng hoặc cộng đồng nghệ thuật uy tín để được sàng lọc chất lượng, định giá tương xứng. Thiết lập được mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tổ chức nghệ thuật và nhà đầu tư sẽ tạo nên một nền mỹ thuật chuyên nghiệp, phát triển bền vững.
Còn theo nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, để đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại, nghệ sĩ cần học hỏi các xu hướng sáng tác mới, mở rộng ngôn ngữ, chất liệu trong thực hành nghệ thuật, như sắp đặt mỹ thuật, nhiếp ảnh; kết hợp nhiếp ảnh và điêu khắc, tạo nên tác phẩm phù điêu ảnh... Trong khi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Phạm, đồng sáng lập Không gian nhiếp ảnh Matca (Hà Nội) cho rằng, có nhiều cách để tạo nguồn thu cho nhiếp ảnh ngoài việc bán tác phẩm in truyền thống, như xuất bản sách ảnh, sử dụng ảnh in lên áo, túi, cốc…
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Mã Thế Anh cho biết, giải pháp quan trọng nhất để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh là xây dựng thị trường chuyên nghiệp, đa dạng. Hiện tại, Bộ đã phê duyệt để Cục triển khai Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030 và Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam” giai đoạn 2020-2030, nhằm tạo cơ hội giao lưu, hợp tác cho giới mỹ thuật, nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Cục tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; tham mưu xây dựng nhà triển lãm đương đại cho giới mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam có không gian giới thiệu, trao đổi tác phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.