(HNM) - Chiều 12-7, vừa đi làm về, thấy khuôn mặt vợ buồn thiu, anh Hoàng ở ngõ 5 phố Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hỏi vợ:
- Hôm nay, ở cơ quan có chuyện gì hả em?
- Dạ, không có chuyện gì đâu, chỉ là… - Vợ anh Hoàng trả lời bâng quơ.
Đoán có chuyện không bình thường, anh Hoàng gặng hỏi mãi chị vợ mới trải lòng: “Mấy hôm nay mấy chị ở cơ quan cứ đem kết quả thi tốt nghiệp THPT của con mình ra kể. Chị Lan thì khoe, thằng Nam nhà tớ học giỏi toán từ nhỏ nên thi tốt nghiệp đạt điểm 10 môn toán. Còn chị Hoài thì nói, điểm thi của thằng Hà nhà chị cao thứ 3 toàn trường, đợt này sẽ đăng ký cho cháu vào học Trường Đại học Dược Hà Nội. Còn thằng Quang nhà mình thì…
- Em lại thế nữa rồi, con mình vẫn đỗ tốt nghiệp đấy thôi. Anh tính đăng ký cho con vào học ở một trường cao đẳng hoặc trường trung cấp nghề nào đó. Xã hội bây giờ đang rất cần những người thợ có tay nghề, chứ nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm có dễ đâu? - Anh Hoàng động viên vợ.
- Thì vẫn biết là thế, nhưng… - Vợ anh Hoàng vẫn lăn tăn.
Viết thư gửi Người Xây Dựng, anh Hoàng tâm sự: “Làm cha, mẹ ai cũng muốn con mình ngoan, thi cử đỗ đạt cao, nhưng mỗi cháu có một khả năng riêng, học đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Vì thế, mỗi bậc phụ huynh cũng đừng quá đặt nặng thành tích rồi gây áp lực cho con trẻ, mà cần định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với khả năng, sở trường của các cháu. Và khi bàn về chuyện này, mọi người nên “tế nhị”, kẻo vô tình làm “tổn thương” những người xung quanh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.