(HNM) - Còn non tháng rưỡi nữa là chính thức bắt đầu tuyển sinh hệ mầm non và các lớp đầu cấp tiểu học, THCS. Dẫn mốc thời gian cho hợp với thời hạn xét tuyển theo quy định của ngành giáo dục, chứ người ta nói nhiều học sinh và phụ huynh đã vào mùa tuyển sinh từ lâu rồi. Cái
1. Còn non tháng rưỡi nữa là chính thức bắt đầu tuyển sinh hệ mầm non và các lớp đầu cấp tiểu học, THCS. Dẫn mốc thời gian cho hợp với thời hạn xét tuyển theo quy định của ngành giáo dục, chứ người ta nói nhiều học sinh và phụ huynh đã vào mùa tuyển sinh từ lâu rồi. Cái "mùa" ấy, dân dã thì gọi là "mùa chạy trường".
Thôi thì các anh chị lớp trên, THCS, "nhỡ" vào lớp một từ khi còn "thịnh" chuyện trường chuyên, lớp chọn, chịu khổ vì "bệnh thành tích" của phụ huynh đã đi một nhẽ rồi. Đành rằng các em mầm non, dù ai đó toan tính gì cũng không nói khác được là chúng đang ở tuổi chơi, chẳng thể mưu mô kiếm chác bằng chiêu bài "học", nên cũng đã đi một nhẽ rồi… Bởi thế mà không bàn chuyện THCS hay mầm non ở đây, chỉ nói chuyện con trẻ mùa khai giảng tới đây sẽ vào lớp một. Những "tờ giấy trắng" giờ mới chập chững vào trường học kiến thức, hẳn có thể và cần phải tránh được áp lực đầu đời, để cái chuyện học tự nhiên, không tì vết.
Tại sao phải tránh và vì sao cái sự tránh ấy không dễ tí nào? Người nhiều thông tin và chút ít lý lẽ bảo rằng cái sự khó là bởi áp lực tâm lý số đông, rằng phải vào trường này trường kia thì chuyện học mới hanh thông được.
Sự "chạy" khó tránh còn là bởi tiêu chí "trường tốt" nó hơi mập mờ; xem truyền hình, nghe đài, báo hay rủ rỉ truyền tin trường nọ trường kia "hot" lắm, thế là tự gieo ấn tượng trong đầu, dù cái sự thông tin khách quan hay vụ lợi. Còn nữa, ấy là sự "chạy" thành công, rồi mục tiêu không thành hiện thực thường không bộc lộ ngay - con trẻ có bị khuyết tật về tâm lý và hành vi hay không thì phải sau nhiều năm mới biết được… Nói về nguyên nhân, không đề cập tới cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường là bởi ngành giáo dục bao giờ chả cấm - qua văn bản, rất chi là đúng - Ban giám hiệu các trường, giáo viên không được tiếp ứng cho sự chạy trường. Ra xong văn bản, đúng là nhẹ trách nhiệm rồi.
2. "Mùa" này có bao người chạy vạy cho con vào trường hay, chỗ tốt? Chẳng ai tính được, bởi đơn giản đã là "chạy" thì sự thể nó mù mờ lắm. Này nhé, dẫu báo mạng đưa ra giá "chạy" trường điểm ở nơi này nơi kia là một nghìn, ba nghìn "đô"; nhưng đố ai khẳng định đó là sự thật? Đơn giản là chứng cớ đâu?...
Nhưng có thể hình dung sự "chạy" qua số liệu khảo sát của ngành giáo dục cách nay gần 1 năm, cho thấy có khoảng 67% số phụ huynh có con thuộc diện tuyển sinh vào lớp đầu cấp được hỏi, cho rằng "chạy" là bình thường, hơn 58% phụ huynh nói rằng để con học trái tuyến họ đã phải "chi phí". Vô số diễn đàn được lập trên mạng để trao đổi thông tin về việc chọn trường, không ít chuyện "chạy" bổ sung cho bức tranh chạy trường hiện nay.
3. "Sinh viên đại học chữ to" chịu ảnh hưởng thế nào từ sự "chạy"? Đó là câu hỏi khó, bởi không thể biết có bao nhiêu trẻ chịu sức ép tâm lý khi bị "trượt… trường điểm", vì không qua nổi kỳ thi không chính thức ở nơi nào đó để vào lớp một. Bao nhiêu trẻ, vì trót chơi nhiều ở độ tuổi chúng xứng đáng được chơi mà đón nhận chương trình lớp một chậm hơn những trẻ "già trước tuổi", được học trước ở mầm non, để rồi thành ra tự kỉ, thiếu tự tin? …
Chuyện học của bé lớp một vốn là chuyện đơn giản, bởi ai cũng có "quyền được học hành". Đến tuổi thì vào lớp, tự nhiên như hơi thở vậy! Nói đó là chuyện nhỏ và không thể gây nên sự xao động xã hội thì cũng đúng. Ấy vậy mà giờ đây, khi xuất hiện chuyện "chạy" cho con vào lớp một và luồng ý kiến ngầm chấp nhận điều đó, khiến cái sự học trở nên phức tạp vô cùng, không thể nghĩ đơn giản "miễn là đúng luật" được nữa rồi.
Để xảy ra cơn cớ này, lỗi của phụ huynh nhiều lắm và lỗi của ngành giáo dục cũng nhiều. Bởi suy cho cùng thì với việc lao vào "chạy", cũng như vô tình tạo ra "cơ chế chạy" người ta đã gián tiếp làm ảnh hưởng xấu đến tương lai - không của con thì cũng là của cháu mình. Điều gì xảy ra khi trẻ lớp một biết được rằng: muốn có sự học tưởng chừng bình thường, bố mẹ chúng đã phải "chạy"? Liệu chúng có bị ám ảnh tư tưởng mua bán đổi chác từ quá sớm và sau này sẽ coi "chạy" là việc phải làm nếu muốn điều gì đó? Xã hội sẽ ra sao nếu có nhiều công dân trẻ quen "chạy"? Bao nhiêu trẻ con nhà giàu ỷ lại vào sự "giỏi giang" của bố mẹ mà xao nhãng học hành, phấn đấu?...
Chuyện trẻ lớp một không phải nhỏ, bởi nó liên quan đến nhân cách lớp công dân tương lai, liên quan đến sự hưng thịnh của quốc gia.
Phải làm gì đây? Trả lời câu hỏi ấy, giờ thì chắc chắn là dành phần lớn cho ngành giáo dục, chứ không phải của riêng phụ huynh học sinh nữa rồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.