(HNMO) - “Quản lý giá sữa như giá thuốc…". Đó là câu trả lời chất vấn khá ấn tượng mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trước Quốc hội về vấn đề quản lý giá sữa. Theo đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có các cuộc họp với nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm dinh dưỡng để đưa ra những biện pháp nhằm bình ổn giá sữa. Thế nhưng, hàng loạt hãng sữa không những không ổn định giá bán mà lại còn “thi nhau” tăng giá ngay từ đầu năm 2010. Điều đó cho thấy sự lúng túng trong công tác quản lý giá cả của các cơ quan chức năng hiện nay.
Trong cơ chế thị trường thì việc quản lý giá cả là rất khó, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá như xăng, dầu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm dinh dưỡng nói chung hay sữa nói riêng… Ngay đối với mặt hàng sữa thì hai Bộ là BộTài chính và Bộ Công thương cũng đã không ít lần đưa ra các biện pháp quản lý giá. Đại diện các cơ quan chức năng Bộ Tài chính từng khẳng định giá sữa tại Việt Nam cao bất hợp lý. Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương cũng từng có điều tra chứng minh giá sữa ở Việt Nam cao hơn giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực từ 60% đến trên 200%. Đáng tiếc là những biện pháp quản lý đó hầu như không có tác dụng gì tới giá… Biện pháp “bình” nhưng giá thì cứ tăng chứ không chịu ổn…
Khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng, một số nhóm hàng nhập khẩu có liên quan đến nguyên liệu sữa như bánh, kẹo, bơ, phô mai… thì giá cũng đã tăng từ (5 – 15)%. Còn các đại lý sữa cho biết vừa nhận thông báo tăng giá của một số nhãn sữa lớn ngay đầu năm 2010 với mức tăng trung bình (7-10)%.
Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm sữa Enfa A+ giá tăng thêm 7% -9 %, áp dụng từ ngày 9/1/2010. Còn Công ty 3A, nhà phân phối các sản phẩm sữa bột của Abbott cũng áp dụng bảng giá mới với mức tăng bình quân 7,4%. Công ty Friesland Campina Việt Nam, nhà sản xuất sữa thương hiệu Cô gái Hà Lan Friso chưa chính thức công bố tăng giá, nhưng một số chủ cửa hàng bán lẻ cho biết nhân viên cung cấp hàng của hãng này đã thông báo chuẩn bị tăng giá sữa bột khoảng 10%, sữa nước 2%. Trên cơ sở đó một số chủ cửa hàng đã chủ động tăng giá trước 5%.
Giải thích cho việc tăng giá sữa, cũng như những lần trước, các nhà kinh doanh đều đưa ra lý do quá quen thuộc, đó là: với sữa nhập khẩu thì giá nhập không tăng, nhưng do tỉ giá đồng USD với VNĐ tăng; hoặc do phải điều chỉnh lương nhân viên… nên phải tăng giá bán. Còn đối với sữa nội, nhà kinh doanh giải thích là do nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đã tăng giá 50% so với cùng kỳ ngoài việc đô la tăng giá.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)nguyên nhân của việc nhiều hãng sữa đã đồng loạt tăng giá bán từ 5% - 10% trong những ngày đầu năm 2010 là do, theo quy định hiện hành, nếu giá sữa tăng liên tục trong 15 ngày và mức tăng trên 20% so với thời điểm trước tăng giá thì mới thực hiện các biện pháp bình ổn. Tuy nhiên, các quy định về bình ổn giá lại không đưa các nhà phân phối sữa nước ngoài vào diện này. Chỉ các doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước mới nằm trong diện đăng ký giá. Đây là một "kẽ hở" lớn mà các doanh nghiệp đang "lách" để tăng giá sữa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: để chấm dứt tình trạng tăng giá thiếu kiểm soát, Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư mới thay thế thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa. Quy định mới sẽ yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng trong diện bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, khi điều chỉnh giá sữa, các công ty kinh doanh mặt hàng này phải thuyết minh giá bán mỗi lần điều chỉnh. Cụ thể là các chi phí vận tải, thuế nhập khẩu, giá nhập khẩu, chi phí quảng cáo, kinh doanh… Cơ chế này cho phép cơ quan tiếp nhận hồ sơ được kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của hồ sơ, nếu phát hiện mức giá đăng ký không hợp lý sẽ yêu cầu giải trình và đăng ký lại giá. Tổ chức, cá nhân không thực hiện việc đăng ký lại giá mà tự ý bán giá cao thì bị yêu cầu bán theo mức giá đăng ký lại, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thu phần chênh lệch giá, tước các loại giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị xử lý hình sự...
Như vậy, khi hướng dẫn mới được ban hành, chắc chắn chuyện tăng giá sữa sẽ được "siết chặt" chứ không thể tự do như hiện nay. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, sẽ khó có thể quản lý được giá sữa bất hợp lý nếu các chính sách và cách quản lý giá sữa cứ mãi bất cập như hiện nay. Thanh tra Bộ Tài chính vừa kiểm tra các doanh nghiệp nhưng cũng chỉ dừng lại ở đề nghị giảm giá, như vậy là khó lòng cho hiệu quả thực chất về lâu về dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.