(HNM) - Sau 5 ngày ăm ắp sự kiện với sự tham gia của 56 nền điện ảnh trên thế giới, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức, đã khép lại tối qua (12-11) với nhiều dư âm và triển vọng mới. Với chủ đề “Điện ảnh - nhân văn, thích ứng và phát triển”, không những công chúng Thủ đô có được “bữa tiệc” phim hấp dẫn, mà điện ảnh Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng, nâng tầm, vươn xa.
Nổi bật cùng điện ảnh thế giới
Dù ngắt quãng một kỳ do dịch Covid-19, nhưng với thương hiệu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội uy tín, lần tổ chức thứ VI này vẫn thu hút được số lượng đông đảo hơn trước, gồm 123 tác phẩm điện ảnh của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI thực sự là cơ hội để các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam và thế giới mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi nghề nghiệp, góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam, khu vực và quốc tế. Đây cũng là sự kiện tôn vinh những tài năng của nghệ thuật điện ảnh; đồng thời quảng bá hình ảnh về Việt Nam, Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển.
Sự kiện điện ảnh quốc tế mang tên Hà Nội có mở màn ấn tượng với bộ phim “Hoa nhài” đậm đặc về Hà Nội của đạo diễn gạo cội - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh. Bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh của vị đạo diễn 84 tuổi, thu hút khán giả đến chật kín phòng chiếu lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Ban Tổ chức mở thêm một phòng 200 chỗ chiếu song song, mà vẫn có khán giả phải ngồi ở lối đi để được thưởng thức. Phim tham dự các chương trình cũng có chất lượng cao, như: “Vợ của người du mục” (Australia) giành Giải thưởng lớn của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương; “Tình bạn” (Bỉ) giành giải Grand Prix của Liên hoan phim quốc tế Cannes 2022; “107 bà mẹ” (Slovakia) giành giải thưởng Horizons - Kịch bản xuất sắc, Liên hoan phim quốc tế Venice 2021…
Điện ảnh Hàn Quốc được chọn làm tiêu điểm tại liên hoan năm nay và đã đem đến cho khán giả Thủ đô những tác phẩm gây tiếng vang gần đây.
Nổi bật cùng điện ảnh thế giới, Việt Nam góp mặt 45 bộ phim, trong đó, có nhiều phim đình đám: “Bố già”, “Gái già lắm chiêu V”, “Tiệc trăng máu”, “Chị Mười Ba 2 - 3 ngày sinh tử”, “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác”, “Em và Trịnh”… Bên cạnh chiếu tại các rạp, phim còn được chiếu ngoài trời tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (quận Hoàn Kiếm), nhằm tiếp cận nhiều khán giả hơn.
Dành nhiều thời gian xem phim, chị Vũ Minh Phương (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nhận xét: “Mỗi bộ phim mở ra câu chuyện nhân văn về một miền đất, nền văn hóa, rất thú vị. Qua đó cho thấy, phim Việt Nam có tiến bộ vượt bậc”.
Mở hướng phát triển điện ảnh Việt
Cùng với việc vinh danh những bộ phim xuất sắc, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI còn có các cuộc gặp gỡ, trao đổi, mở những hướng mới cho điện ảnh Việt Nam, nhất là kinh nghiệm từ nền công nghiệp điện ảnh rực rỡ của Hàn Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc Park Ki-yong chia sẻ, sự thành công của các bộ phim nước này là do chúng mang phong cách Hàn Quốc, phản ánh chân thực về Hàn Quốc. Điện ảnh Hàn Quốc đang hướng tới tốc độ, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực, bồi dưỡng thế hệ kế cận, tăng cường toàn cầu hóa… Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam Ko Jae-soo, công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có nhiều yếu tố áp dụng được tại Việt Nam, như việc thúc đẩy khán giả xem phim nội, mở rộng đối tượng hưởng thụ điện ảnh…
Liên hoan phim cũng góp phần khẳng định vai trò của điện ảnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa của mỗi quốc gia, vùng đất. Là tác giả văn học, biên kịch bộ phim “Chuyện của Pao”, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho hay, khi phim chiếu rộng rãi, tỉnh Hà Giang đã được nhiều người biết đến hơn, ngôi nhà là bối cảnh phim trở thành địa điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến đây. Với người dân bản địa, bộ phim cũng giúp họ nhận ra giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà họ nắm giữ và càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn hơn. Điều này cũng gặp ở nhiều bộ phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với bối cảnh Phú Yên, “Mắt biếc” với bối cảnh Thừa Thiên Huế… Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền cho rằng, những bộ phim chính là sứ giả đưa hình ảnh đất nước, văn hóa ra thế giới. Các nhà làm phim luôn tìm cách mang thật nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc vào bộ phim và mong được kết nối, tạo điều kiện từ các địa phương.
Cơ hội mở ra, nhiều kinh nghiệm hữu ích được chia sẻ, kỳ vọng điện ảnh Việt sẽ nắm bắt tốt để vươn xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.