Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là “rào cản” ?

Xuân Lộc| 05/03/2011 08:05

Kinh phí cho Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2011 khoảng 35 tỷ đồng (HNM) - Các hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài trong những năm qua đã góp phần tô đậm hình ảnh điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công tác này vẫn bị coi là yếu và thiếu chuyên nghiệp.


Kinh phí hạn hẹp

Theo Tổng cục Du lịch (TCDL), chương trình xúc tiến du lịch trong năm nay sẽ được thực hiện với quy mô lớn, có chiều sâu với những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh chứ không dàn trải theo kiểu bất kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế nào cũng tham gia nhưng hiệu quả không cao. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2011, TCDL mạnh dạn đề xuất cơ chế, cứ mỗi du khách đến Việt Nam ngành sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và nước ngoài.


Việt Nam cần có thêm nhiều hình thức quảng bá du lịch để thu hút du khách quốc tế.


Theo cách tính toán trên, với kết quả đạt được hơn 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2010 thì sang năm nay, nếu ngành du lịch được đầu tư thêm 5 triệu USD (tương đương 100 tỷ đồng) thì chiến dịch quảng bá có cơ hội được nâng tầm. Thế nhưng, mức đầu tư nói trên chưa phải là cao so với nhiều nước khác. Tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trung bình các nước chi từ 8 đến 10 USD/khách quốc tế cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Chẳng hạn, nếu Thái Lan chi 100 triệu USD/năm, Malaysia dành 118 triệu USD/năm hay Singapore bỏ ra 70 triệu USD/năm cho chiến dịch quảng bá du lịch thì… tổng kinh phí dành cho Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia của Việt Nam năm 2011 chỉ vào khoảng 1,75 triệu USD (tương đương 35 tỷ đồng). Số tiền ấy còn kém mức đầu tư cho quảng bá của một số doanh nghiệp lữ hành trong nước như Saigontourist (mỗi năm chi 104 tỷ đồng) hay Vietravel (chi 36 tỷ đồng).

Từ lâu, nguồn kinh phí hạn hẹp đã trở thành rào cản đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đã vậy, trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay, nguồn kinh phí ấy không những không tăng lên mà còn bị giảm 5 tỷ đồng so với năm 2010. “Nếu không đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thì chúng ta khó đạt được mục tiêu mong đợi trong năm 2011 và những năm tới. Điều này phải được cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách đầu tư xứng đáng cho du lịch”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Quảng bá nhỏ giọt

Do nguồn kinh phí dành cho quảng bá, xúc tiến hạn chế dẫn tới cơ chế giải ngân rất bất cập, định mức tài chính không hợp lý. Chẳng hạn, như đoàn các hãng lữ hành, nhà báo của các nước đến khảo sát, tìm hiểu, quảng bá du lịch Việt Nam đã không được “bao” vé máy bay quốc tế. Còn khi tham gia hội chợ, các sự kiện ở nước ngoài, chúng ta thường thiếu tiền tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, tiếp tân, quảng bá trực quan... Chính vì vậy, nếu như các gian hàng của Thái Lan, Philippines hay Indonesia rất ấn tượng, mang tầm vóc quốc gia thì gian giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam lại mờ nhạt.

Nói về những bất cập trong công tác xúc tiến du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, tài chính hạn chế buộc chúng ta phải quảng bá nhỏ giọt, chưa có những chương trình thực sự lớn, hiệu quả. Thậm chí, lấy kết quả đạt được của du lịch Việt Nam trong năm 2010 đem so sánh với các nước khác trong khu vực thì chúng ta còn thua kém. Và những yêu cầu về tính chuyên nghiệp, bài bản, có chiều sâu trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của chúng ta vẫn còn hạn chế. Một đại diện doanh nghiệp lữ hành nhận xét: “Ai cũng chỉ ra được những yếu kém của ngành du lịch nói chung và hoạt động xúc tiến quảng bá nói riêng, song dường như chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đề cập trong các bài phát biểu, bàn luận tại các cuộc hội thảo. Trên thực tế, các chương trình xúc tiến nếu không có kinh phí thì không thể làm gì tốt hơn được. Chúng ta phải phối hợp với Bộ Tài chính để có một cơ chế cho hoạt động xúc tiến có hiệu quả”.

Cần có “nhạc trưởng”

Không chỉ eo hẹp về kinh phí mà khó khăn trong cơ cấu tổ chức cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia cũng chưa hợp lý, khiến cho công tác quảng bá “rối như tơ vò”. Trước đây, TCDL đã có Cục Xúc tiến du lịch, được ví như “linh hồn” của hoạt động quảng bá du lịch. Thế nhưng, hiện đơn vị này đã “bị đổi” thành Vụ Thị trường khi TCDL nhập vào Bộ VH, TT& DL. Về mặt chính sách, cấp vụ chỉ có chức năng tham mưu, muốn huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và đưa ra những chính sách hợp lý trong hoạt động xúc tiến thì chỉ có cấp cục mới đủ thẩm quyền. Việc thiếu “nhạc trưởng” làm cho công tác xúc tiến thời gian qua gặp khó khăn.

Đúc kết kinh nghiệm sau 31 năm gắn bó với ngành “công nghiệp không khói”, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nếu không có một “nhạc trưởng” để quy tụ thì sẽ manh mún. Và, nếu làm không đến nơi đến chốn, làm dở chừng thì tác hại rất ghê gớm.

Để tăng sức mạnh cho hoạt động xúc tiến, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, TCDL đang đề nghị Bộ VH, TT& DL cho xây dựng Đề án thành lập Cục Xúc tiến du lịch. Nếu đề án này được phê duyệt sẽ tạo đà giúp công tác quảng bá bứt phá trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu là “rào cản” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.