Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là giới hạn của việc ''bác sĩ làm thêm''?

Thu Hoài| 02/10/2022 13:18

(HNMO) - Dư luận đang xôn xao việc 4 bác sĩ bệnh viện công thành phố Hồ Chí Minh về Tiền Giang khám, chữa bệnh ngoài giờ cho phòng khám tư để có thêm thu nhập. Nhiều luồng ý kiến xuất hiện sau việc này.

Một phòng khám đa khoa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có các bác sĩ bệnh viện công tham gia khám, chữa bệnh theo quy định.

Đòi hỏi từ thực tế

Ngày 1-10-2022, bà Nguyễn Thị Thi, 75 tuổi, ngụ tại Khu đô thị Chí Linh (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến phòng khám gần nhà để khám mắt. Các bác sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh về địa phương trực tiếp khám cho bà. Sau gần 1 giờ thăm khám và nghe tư vấn, bà Thi phấn khởi chia sẻ: “Các bác sĩ khám kỹ, tư vấn đầy đủ. Tôi bị đục thủy tinh thể, có thể lựa chọn phẫu thuật tại Vũng Tàu vào cuối tuần tới, vì ngày đó các bác sĩ lại về; hoặc lên thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày trong tuần và phẫu thuật tại bệnh viện mà các bác sĩ đang làm việc”.

Những người như bà Thi hiện rất nhiều. Họ sẵn sàng trả tiền dịch vụ để được khám, chữa bệnh. Nhân lực ngành Y tế thành phố Vũng Tàu vốn chưa mạnh, nay được giải quyết bằng cách các cơ sở y tế trên địa bàn mời các bác sĩ chuyên khoa từ thành phố Hồ Chí Minh về cơ sở mình vào ngày nghỉ, ngày lễ hoặc thậm chí là ngoài giờ để khám dịch vụ. Bác sĩ Nguyễn Trọng K (xin phép được không nêu tên và đơn vị công tác) chia sẻ: “Ngày nghỉ, tôi có thể lựa chọn đi chơi hoặc đi làm. Tôi đã xuống Vũng Tàu để làm thêm theo hợp đồng để vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm thực tế khám, chữa bệnh”.

Bệnh viện thành phố Thủ Đức, nơi có 4 bác sĩ mới bị phát hiện xuống Tiền Giang “làm thêm” không đúng quy định.

Những người như bác sĩ K đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương xung quanh thành phố Hồ Chí Minh. Và một nhóm bác sĩ như thế đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Ngày 28-9, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang kiểm tra một phòng khám tư nhân ở thị xã Gò Công, phát hiện 4 bác sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh, nhưng không được đăng ký tên trong danh sách nhân viên y tế của phòng khám.

Bốn bác sĩ nêu trên đang công tác tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, qua làm việc, 4 bác sĩ đã tường trình do không biết quy định, nên đã tự sắp xếp thời gian ngoài giờ trực để đi làm thêm mà không báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Cả 4 bác sĩ đều chấp nhận kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật theo quy định.

“Chúng tôi đã chỉ đạo tất các các khoa, phòng của bệnh viện khẩn trương rà soát lại việc tuân thủ các quy định pháp luật, không được lấy giờ làm việc của cơ quan. Phải xin phép và chỉ được phép tham gia khám, chữa bệnh cho các tổ chức khác khi được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo bệnh viện”, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh thông tin.

Nhân viên y tế bệnh viện công đang chịu nhiều sức ép từ khối lượng công việc lớn, nhưng thu nhập chưa tương xứng.

Cần cơ chế phù hợp

Với ngành Y tế, những quy định về làm ngoài giờ rất chi tiết. Đơn cử, khoản 7, Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã quy định: “Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định”.

Hành vi của 4 bác sĩ Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã sai so với quy định hiện hành. Nhưng có một thực tế rằng, các bác sĩ cũng cần có thêm thu nhập chính đáng, khi mức phụ cấp hiện tại chưa phù hợp.

Cụ thể, Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập quy định: “Đối với người lao động thường trực 24/24 giờ: Người lao động thường trực trong bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: Mức phụ cấp là 115.000 đồng/1 người/1 phiên trực; người lao động thường trực trong bệnh viện hạng II: Mức phụ cấp là 90.000 đồng/1 người/1 phiên trực; người lao động thường trực trong bệnh viện hạng III, hạng IV và các cơ sở khác tương đương (bao gồm cả trạm y tế): Mức phụ cấp là 65.000 đồng/1 người/1 phiên trực…”.

Cần sớm có cơ chế để các bác sĩ bệnh viện công yên tâm làm việc.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Bệnh viện công là nơi thường đón nhận bệnh nhân nghèo và bệnh nhân nặng. Vì vậy, nhân viên y tế ở đây rất vất vả. Một đêm trực hiếm có ngày nghỉ bù, vì như thế sẽ thiếu người làm ban ngày, nhưng thù lao chưa tương xứng. Nếu không có cơ chế để nhân viên y tế có thu nhập đủ sống; ứng xử với việc làm thêm không khéo, làn sóng “rời bệnh viện công” sẽ ngày càng lớn hơn”.

Về phía Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2-10, Sở cho biết đã nắm được nội dung vụ việc. Sau quá trình kiểm tra, làm việc với Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Thanh tra Sở Y tế nhấn mạnh việc bệnh viện và các cơ sở y tế khác cần tăng cường giám sát y, bác sĩ. Cùng với đó hướng dẫn các bác sĩ thực hiện đúng quyền của mình (được làm thêm ngoài giờ) nhưng phải tuân thủ nghĩa vụ (phải được sự cho phép của lãnh đạo cơ quan).

Cùng với đó, Sở Y tế thành phố thông tin, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý kéo dài thời gian cho nhân viên y tế được hưởng hỗ trợ thu nhập tăng thêm như đã áp dụng trong 2 năm chống dịch Covid-19 vừa qua. Về lâu dài, Sở cũng đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh sớm có chính sách hiệu quả giữ chân nhân viên y tế công lập, để họ yên tâm công tác và cống hiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu là giới hạn của việc ''bác sĩ làm thêm''?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.