Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu là chìa khóa thành công?

Lan Hương| 18/01/2010 14:27

(HNMO) –TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt

(HNMO) –TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động tháng 8/2009 là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, phát triển thị trường nội địa. Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước thể hiện nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam song không có nghĩa là NTD có thể lựa chọn, mua, sử dụng với bất kỳ hàng hóa nào, lại không thể là hàng hóa kém chất lượng, không an toàn, giá cả không hợp lý.

Doanh nghiệp phải nắm bắt thị trường và tâm lý người tiêu dùng

Theo TS. Hồ Tất Thắng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ thành công nếu các doanh nghiệp trong nước quan tâm nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tâm lý và thị hiếu tiêu dùng của NTD, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, bao bì sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn, đảm bảo trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm xã hội, giảm chi phí, hạ giá thành, quan tâm đến các hoạt động hậu mãi và hình thành hệ thống phân phối.

Thực tế, không phải vì khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu suy giảm, các doanh nghiệp mới quan tâm đến thị trường trong nước mà phát triển thị trường nội địa với hàng hóa sản xuất trong nước là chính sách nhất quán trong phát triển kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nước ta đã thành công trong sự phát triển thị trường nội địa như: dệt may, thủy sản, gốm sứ thủy tinh, thực phẩm…

Cuộc vận động này chỉ thành công đối với các doanh nghiệp quan tâm đến việc điều tra, khảo sát thị trường, hiểu rõ tâm lý tiêu dùng của NTD về thói quen, tập quán mua sắm, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng, về nhận xét ưu nhược điểm của hàng Việt Nam, về thị phần của hàng Việt Nam và hiện trạng hệ thống phân phối… Từ đó doanh nghiệp có chiến lược, chính sách, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Trên 70% NTD nước ta ở nông thôn, miền núi, nơi NTD có rất ít thông tin, hiểu biết tiêu dùng còn nhiều hạn chế, cũng là nơi dễ thâm nhập của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất an toàn. Việc các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp đưa hàng về nông thôn, tổ chức các phiên chợ quê, phiên chợ hàng Việt ở khu công nghiệp sẽ làm cho các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với NTD, hiểu rõ nguyện vọng và sở thích tiêu dùng của NTD, vừa bán hàng vừa quảng cáo, tiếp thị. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện xây dựng mạng lưới bán lẻ, duy trì sự có mặt lâu dài, bền vững tại thị trường này. NTD sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng trực tiếp của doanh nghiệp, không qua khâu phân phối trung gian, đảm bảo chất lượng, giảm chi phí phân phối bán hàng.

Ông Lê Hồng Minh – Giám đốc đối ngoại Công ty Tân Hiệp Phát cũng đặt câu hỏi: Làm thế nào để cho các nhà sản xuất Việt Nam hợp lực đẩy lui được cơn lũ quét hàng nhập ngoại và lan toả sức mạnh của hàng Việt Nam ở trong nước và ra thế giới? Về phía doanh nghiệp, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam phải “thắng ngay trên sân nhà”. Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn thách thức, phát triển nhanh và bền vững.

Nhà nước phải quản hàng ngoại, kích nội

TS. Hồ Tất Thắng nhận xét, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải phối hợp hoạt động, hoàn thiện hệ thống kiểm soát, lập hàng rào kỹ thuật cho thương mại để bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của NTD. Hiện nay, chúng ta quản lý chưa tốt hàng nhập khẩu và chưa có biện pháp hữu hiệu kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới.

Hàng do Việt Nam sản xuất luôn bị đe dọa bởi hàng giá rẻ, chất lượng thấp, mất an toàn, hàng ế thừa hay gần hết hạn sử dụng của nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Mỹ, Châu Âu và luôn bị ràng buộc bởi một hệ thống các Tiêu chuẩn rất khắt khe, từ nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc. Nhà nhập khẩu sang Việt Nam đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn, vệ sinh cho phép vào danh sách xuất khẩu, họ còn ủy quyền cho một Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thay mặt họ kiểm soát lô hàng, nếu vi phạm họ sẽ đưa ra khỏi danh sách nhập khẩu…Họ làm vậy đối với hàng Việt Nam, tại sao chúng ta không làm điều ngược lại? Phải chăng chúng ta quá dễ dãi với hàng nhập khẩu, nhiều mặt hàng vào Việt Nam việc xử lý thông tin chậm, hậu quả là NTD lĩnh đủ vì mua hàng kém chất lượng, không an toàn, điển hình là vụ sữa, sản phẩm từ sữa có chứa Melamine và hàng dệt may, đồ chơi trẻ em chứa phormadehite (!?). Ở các nước khi có thông tin về hàng kém chất lượng, không an toàn, các cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh và thườnghọ đưa thông tin cảnh báo trước khi người dân phát hiện.

Chúng ta thường đưa ra các biện pháp tình huống (quy định ngưỡng Melamine, ngưỡng phormadelhite) nhằm khắc phục hậu quả mà thiếu các biện pháp phòng ngừa. Hiện tượng hàng kém chất lượng, không an toàn thường nhận xét bề ngoài và dự đoán cảm tính mà thiếu cơ sở khoa học. Nhìn thấy lê, táo nhập khẩu cả tháng trời không hỏng, dự đoán là có chất bảo quản. Vấn đề NTD muốn biết là chất bảo quản đó là gì? có hại cho sức khỏe không? chưa thấy cơ quan chức năng giải đáp.

Để quản lý thị trường, bảo vệ NTD trong nước, các quốc gia tiên tiến thường dùng thủ thuật nâng cao hàng rào kỹ thuật với những hàng hóa không phải thế mạnh của mình và dùng công cụ chống bán phá giá đối với loại hàng hóa trong nước sản xuất được… Có người lo ngại nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật chính hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên chứ không phải là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng lo ngại với cơ sở làm ăn chộp giựt, chạy theo lợi nhuận, còn đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, sản xuất bền vững thì rất thuận lợi, tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp tạo được niềm tin cho NTD với hàng trong nước. Đó mới thực sự là kích cầu nội địa và NTD sẽ được hưởng lợi.

Khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan dần bị loại bỏ, các nước lại dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ NTD. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có hàng rào chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước cũng như ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn trong vòng 40 năm qua và hiện tại chúng ta có khoảng 6.000- 7.000 Tiêu chuẩn Quốc gia, tuy nhiên hệ thống tiêu chuẩn đó chỉ mang tính định hướng. Khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật được ban hành, Quy chuẩn Kỹ thuật quy định những vấn đề cụ thể liên quan đến vệ sinh an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cộng đồng, chính là rào cản kỹ thuật cần được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ NTD.

TS. Hồ Tất Thắng khuyến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức quản lý chất lượng hàng sản xuất trong nước. Tình trạng vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nghiêm trọng, quy mô ngày càng rộng khắp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, quyền và lợi ích hợp pháp của NTD bị xâm hại nghiêm trọng. Chỉ nói riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành mối quan tâm chung của NTD và của toàn xã hội. Tình trạng nước khoáng nhiên nhiên, nước tinh khiết đóng chai không đảm bảo vệ sinh, nước sinh hoạt có hàm lượng Amoni vượt quá giới hạn cho phép; sữa nghèo đạm, thịt gia súc, gia cầm; rau, quả không đảm bảo an toàn; việc sử dụng tùy tiện không đúng quy định phẩm màu, chất phụ gia thực phẩm, chất kích thích tăng trọng, tăng trưởng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; tình trạng thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, việc gia tăng các vụ ngộ độc trong bếp ăn tập thể đã làm cho NTD lo lắng không biết ăn gì? uống gì?.

Việc thực hiện tự công bố Tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình nhằm phát huy tính chủ động, tự chủ, trách nhiệm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên thực tế cho thấy đã phát sinh nhiều bất cập: gian dối trong công bố, cung cấp thông tin không trung thực, không thực hiện đúng như đã công bố, cấp phép và hậu kiểm của cơ quan Nhà nước không đúng quy định… thể hiện rõ qua vụ sữa nghèo đạm, nước uống đóng chai, đóng bình… Có đến 90% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đăng ký và không được cơ quan Nhà nước cấp phép đủ điều kiện ATVS thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần phải thay đổi cách thức quản lý. Đối với sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, đối với thực phẩm có nguy cơ cao phải thực hiện cơ chế chứng nhận Hợp quy, công bố Hợp quy, phù hợp Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thực hiện những giải pháp trên hàng Việt Nam mới có thể tự tin đứng trên sân nhà và người Việt Nam mới thực sự tự nguyện (chứ không phải ưu tiên) dùng hàng Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu là chìa khóa thành công?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.