Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hỏi về vai trò của nhà đấu giá

An Nhi| 16/09/2018 07:30

(HNM) - Trong hai năm gần đây, sự xuất hiện và hoạt động của nhiều nhà đấu giá nghệ thuật trong nước đã phần nào tạo sự chuyển động cho thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Một phiên đấu giá tranh tại TP Hồ Chí Minh.


Thiếu chuyên nghiệp và sự cố

Ở nước ta hiện nay đang xuất hiện một số tổ chức hoạt động đấu giá nghệ thuật. Có thể kể đến là Nhà đấu giá Chọn, Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt, Nhà đấu giá PI (Hà Nội), Nhà đấu giá Lý Thị (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, có hai nhóm đấu giá tranh trên mạng hoạt động mạnh là Vietnam Art Space và Viet Art Now. Bên cạnh đó, một số tổ chức cũng có hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật nhằm mục đích từ thiện. Tuy có kích thích sự phát triển của thị trường mỹ thuật nhưng hoạt động của họ còn gặp không ít vấn đề.

Ra mắt đầu năm 2017, Nhà đấu giá Chọn gây chú ý nhiều trong giới bởi đã thực hiện được 16 phiên đấu giá nghệ thuật với khoảng 600 tác phẩm. Đáng nói là số lượng tranh họ đưa ra thị trường đấu giá có nhiều bức đề tên các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - những họa sĩ thường bị làm tranh giả nhiều nhất.

Điển hình là trường hợp bức “Phố cũ” đề tác giả Bùi Xuân Phái trong một phiên đấu giá năm 2017 của Nhà đấu giá Chọn. Giới mỹ thuật và công luận đã bày tỏ nghi ngờ về sự thật, giả của bức tranh. Bởi nó giống hệt bức cùng tên, cùng tác giả trong phiên đấu giá của Sotheby’s (Singapore) năm 2006 và phiên đấu giá của Christie’s (Hong Kong - Trung Quốc) năm 2014. Trong khi chủ sở hữu nói rằng bức “Phố cũ” được ông cất giữ hàng chục năm và chưa hề rời khỏi Việt Nam. Nhà đấu giá Chọn khi ấy khẳng định đã thẩm định kỹ bức tranh và cam kết cùng chủ sở hữu chịu trách nhiệm xin lỗi công khai, hoàn tiền, bồi thường tổn thất tinh thần cho người mua nếu bức tranh này là giả. Bức tranh sau đó được bán với giá 12.500 USD, cao hơn mức khởi điểm 4.500 USD, dù còn đó những nghi vấn.

Chưa hết, Nhà đấu giá Chọn cũng có lần đưa một bức tranh đề tên tác giả Nguyễn Văn Tỵ ra thị trường và con gái họa sĩ đã phản ứng rằng đó không phải tranh của cha mình. Hiện, nhà đấu giá này đang bị tố cáo là trưng bày, đấu giá bức tranh giả chữ ký của một họa sĩ nổi tiếng…

Tháng trước, Nhà đấu giá PI cũng chuẩn bị đấu giá một bức tranh đề tên tác giả Phạm Hà Hải, nhưng chính họa sĩ khẳng định đó không phải tranh của mình, nhà đấu giá vội xin lỗi, xóa tên tác giả nhưng sau đó vẫn đem bức tranh đấu giá… Rất nhiều sự cố chưa được các nhà đấu giá nghệ thuật giải quyết thấu đáo cho thấy quy trình hoạt động của họ còn non kém, thiếu chuyên nghiệp.

Trách nhiệm của nhà đấu giá

Với bức tranh “Phố cũ”, dù con trai của họa sĩ Bùi Xuân Phái khẳng định với truyền thông là giả nhưng không ai đưa được chứng cứ thuyết phục nên sự việc rơi vào quên lãng. Nhưng những bức tranh của họa sĩ đương thời hoặc tranh có thể xác thực dễ dàng khi bị nghi ngờ cũng không được các nhà đấu giá quyết liệt làm rõ trắng đen. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương chia sẻ: “Một bức tranh hoặc hiện vật đưa ra đấu giá nếu có nghi vấn về mức độ thật, giả thì chủ sở hữu và nhà đấu giá phải chịu trách nhiệm xác minh. Điều này vừa để khẳng định uy tín của nhà đấu giá, vừa là cơ hội đưa vấn nạn tranh giả ra pháp luật”.

Hiện nay, các nhà đấu giá đều lấy phí giao dịch từ phía người mua là 10-20% và phí ký gửi từ người bán cũng tương đương nếu tranh đấu giá thành công. Khoan nói đến mục đích như họ thường tuyên bố là “hoạt động nhằm giúp thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển và minh bạch” thì với sự “ăn chia” như thế, nhà đấu giá phải có trách nhiệm hơn với công việc đưa tranh ra thị trường. Trách nhiệm ấy không thể như chúng ta đang thấy gần đây, là đùn đẩy cho người sở hữu, cho người mua hay thậm chí cho người chỉ ra những điểm thiếu minh bạch.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định, hoạt động đấu giá nghệ thuật Việt Nam mới ở buổi bình minh. Nếu không làm việc cẩn trọng, để xảy ra nhiều sự cố liên quan đến tính minh bạch thì càng làm cho thị trường mỹ thuật trong nước bị sụt giảm niềm tin. Và nhà đấu giá nghệ thuật với tư cách là người trung gian, cây cầu kết nối tác giả, người sở hữu với nhà sưu tầm, công chúng phải đi đến tận cùng trách nhiệm của mình.

Những sự cố trên còn cho thấy một lỗ hổng lớn, đó là vấn đề thẩm định tranh của các nhà đấu giá nghệ thuật trước khi đem đấu giá. Nhà đấu giá Chọn tuyên bố có hội đồng thẩm định gồm các nhà nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu nước nhà, nhưng lại không công khai danh tính của những người này. Việc để xảy ra nhiều sự cố như vậy không khỏi khiến người ta nghi ngờ chất lượng của hội đồng đó. Nhà đấu giá PI cũng không thể biện minh cho sự thẩm định kém cỏi khi một bức tranh đề tên tác giả đang hoạt động năng nổ trong giới mỹ thuật mà lại không liên lạc kiểm chứng trực tiếp.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho rằng, những sự việc này cho thấy nên đặt ra tiêu chuẩn về vốn, uy tín, đội ngũ chuyên gia, quy trình hoạt động... để trở thành một nhà đấu giá nghệ thuật. Có như vậy, vai trò và chức năng góp phần minh bạch thị trường mỹ thuật của nhà đấu giá mới được phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hỏi về vai trò của nhà đấu giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.