(HNM) - Theo các chuyên gia y tế về tiêu hóa, vi khuẩn helicobacter pylori (HP) là tác nhân chính gây ra tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non).
Những dấu hiệu mắc viêm loét dạ dày, tá tràng thường gặp như đau bụng vùng thượng vị, đầy hơi, nóng rát dạ dày… Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu thường gặp nhất, điển hình nhất, do niêm mạc đã bị tổn thương, lại chịu thêm tác động của axit dạ dày...
Đầy hơi, không tiêu, thường xuyên buồn nôn và ợ hơi, nóng rát ở phần dạ dày cũng là dấu hiệu bị viêm loét dạ dày, tá tràng. Do dạ dày tiết ra nhiều axit nên dẫn đến hiện tượng trào ngược, buồn nôn, đầy hơi và khó tiêu hóa thức ăn ở người bệnh. Hiện tượng người thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón cũng là một trong những dấu hiệu viêm loét dạ dày, tá tràng do bị rối loạn các chức năng tiêu hóa. Và người bị mất ngủ thường xuyên cũng có khả năng bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cần có chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt cần tránh ăn những thực phẩm gây tổn thương đến niêm mạc và tăng axit dạ dày, gây đầy hơi, chướng bụng. Cam, chanh, quýt, xoài, khế, dấm, mẻ… có nhiều chất chua, gây tăng axit trong dạ dày. Còn rượu, bia, cà phê, trà đặc; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, món nướng tẩm nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn có các chất bảo quản, các loại thức ăn như xương băm nhỏ, sụn, tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, đầu cá... gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày. Giá đỗ, dưa cà muối, hành, hẹ, cần tây… và các loại nước có ga, gây đầy hơi, chướng bụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.