Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu một sự chuyển hướng

Đình Hiệp| 17/01/2010 06:27

Đúng như dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tôsimi Kitadaoa ngày 15-1 đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của nước này chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương. Tàu Masiu trọng tải 13.500 tấn và tàu khu trục Icadưchi, trọng tải 4.550 tấn đã rời Ấn Độ Dương sau lần tiếp nhiên liệu cuối cùng trong ngày 15-1.

Đoàn tàu tiếp liệu Nhật Bản tại Ấn Độ Dương.


Cách đây 9 năm (2001), Nhật Bản đã tham gia một chiến dịch quân sự ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đó là sứ mệnh tổ chức các tàu tiếp dầu trên Ấn Độ Dương phục vụ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu nhằm vào chế độ Taliban ở Ápganixtan. Theo dự kiến, sứ mệnh này sẽ kéo dài đến tháng 7-2010. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Hạ viện cuối tháng 8-2009, Thủ tướng Hatôyama đã hứa hẹn với cử tri sẽ chấm dứt sứ mệnh này như một phần trong chiến lược xây dựng mối quan hệ đối tác "ít phụ thuộc" hơn vào Mỹ của Chính phủ Nhật Bản. Và giờ đây lời hứa của ông đã trở thành hiện thực.

Thực tế đây là quyết định khó tránh của Thủ tướng Hatôyama khi ông khó có thể yêu cầu Quốc hội gia hạn thêm sứ mệnh tốn kém này. Từ năm 2007, Nhật Bản đã không còn mặn mà với sứ mệnh tiêu tốn hàng tỷ USD ngân sách mỗi năm. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đến cuối năm 2009, nước này đã cung cấp khoảng 510 triệu lít nhiên liệu cho tàu chiến của 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Pakixtan. Ngoài ra Nhật Bản còn cung cấp khoảng 1,2 triệu lít nhiên liệu cho các máy bay trực thăng của quân đội nước ngoài tham gia chống khủng bố và cung cấp khoảng 11.000 tấn nước sinh hoạt cho các tàu chiến nước ngoài… Quyết định ngưng tiếp liệu trên biển được đưa ra giữa lúc quan hệ Nhật - Mỹ "đi xuống" khi Tôkyô yêu cầu lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ di dời sân bay Phưtênma trên đảo Ôkinaoa đến một địa điểm mà Mỹ không đồng thuận vào trước tháng 5-2010.

Phản ứng trước sự kiện này, một số nghị sĩ đảng đối lập Dân chủ tự do (LDP) đã chỉ trích và cho rằng lợi ích quốc gia của Nhật Bản sẽ bị tổn thất cùng với việc ngừng sứ mệnh trên. Đặc biệt trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, với thông điệp "Mỹ muốn giảm căng thẳng với Nhật Bản - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á". Cho dù chuyến công du của bà Hillary phải gián đoạn do trận động đất ở Haiti, song sứ mệnh trên cùng với lợi ích của Mỹ ở Phưtênma sẽ vẫn là chủ đề nóng được hai bên quan tâm trong chuyến công du này.

Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyết định ngừng sứ mệnh tiếp dầu vừa được Tôkyô thực hiện gây tác động tiêu cực đến quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Cùng với tuyên bố chấm dứt sứ mệnh trên, Thủ tướng Hatôyama cam kết sẽ tăng viện trợ cho công cuộc tái thiết Ápganixtan - một chiến địa hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - với khoảng 5 tỷ USD trong 5 năm tới. Cùng với đó, ngày 14-1 vừa qua, Nhật Bản và Mỹ cũng đã họp cấp chuyên viên lần thứ nhất tại Oasinhtơn nhằm củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước. Hai bên đã tập trung thảo luận nội dung một văn kiện chung được Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước dự kiến công bố vào ngày 19-1 tới nhân dịp kỷ niệm 50 năm. Ngày Tôkyô và Oasinhtơn ký Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Trong bài phát biểu dự kiến tại lễ kỷ niệm này, Thủ tướng Hatôyama sẽ tuyên bố năm 2010 "là một năm quan trọng để làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ"; cam kết nỗ lực hướng tới loại bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh tầm quan trọng của "sức mạnh răn đe" trong cơ chế hợp tác an ninh Nhật - Mỹ trước mối đe dọa từ một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Những gì vừa diễn ra cho thấy, Tôkyô đang cố tìm kiếm sự "bình đẳng" trong quan hệ hợp tác với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến quá nhiều đổi thay, quyết định ngừng sứ mệnh gây tranh cãi ngay tại Nhật Bản suốt hai năm qua là một dấu hiệu về sự chuyển hướng trong chiến lược ngoại giao của Nhật Bản với Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu một sự chuyển hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.