Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu đáng suy ngẫm

Bảo Hân| 01/04/2023 07:34

(HNM) - Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế - xã hội quý I-2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, con số bình quân mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy những dấu hiệu đáng suy ngẫm.

Cụ thể, trong quý đầu năm, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn, với hơn 60.000 đơn vị (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022). Như vậy, bình quân một tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này cao hơn gần 2 lần so với trung bình giai đoạn 2018-2022.

Theo các chuyên gia kinh tế, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều nhưng không quá đáng lo bởi người kinh doanh thường có tâm lý chọn giai đoạn này để chuyển đổi, kết thúc một chu kỳ kinh doanh. Theo thông lệ, quý I hằng năm có số lượng doanh nghiệp rút lui luôn cao hơn các quý khác trong năm. Có chuyên gia còn cho rằng con số hơn 60.000 doanh nghiệp “biến mất” khỏi thị trường có thể là tín hiệu tích cực khi doanh nghiệp tìm định hướng mới, tái cơ cấu để phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh mới.

Tuy nhiên, dù nhìn ở góc độ tích cực thì các cấp, ngành vẫn phải có những giải pháp xử lý hữu hiệu, như cần thêm các gói hỗ trợ kinh tế hay sớm có chính sách điều chỉnh giảm lãi suất… Việc Chính phủ quyết liệt, kịp thời tháo gỡ các "rào cản", tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu vẫn là có thêm nhiều doanh nghiệp ra đời, trở lại hoạt động mà không phải rút lui, giúp nền kinh tế khởi sắc hơn trong những quý tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu đáng suy ngẫm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.