Luận đàm thời sự

Dấu hiệu bớt băng giá

Đại sứ Trần Đức Mậu 13/10/2023 - 07:25

Một trong những chuyện chính trị thế giới hiện được quan tâm để ý đến nhiều nhất là diễn biến của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tới đây, Mỹ sẽ chủ trì tổ chức cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco.

Mọi sự chú ý hàng đầu tập trung vào câu hỏi liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sang Mỹ tham dự sự kiện này hay không và liệu vào dịp ấy có diễn ra cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không.

Mối quan hệ song phương này rất không ổn từ khá lâu nay nên ông Tập Cận Bình mà đi Mỹ và nếu có cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với ông Biden thì có thể hiểu là "gió đã xoay chiều" trong cặp quan hệ song phương này. Ông Tập Cận Bình đi Mỹ mà không có cuộc gặp với ông Biden thì có nghĩa là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không những chỉ tiếp tục tồi tệ mà còn sẽ rất ảm đạm cả trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện đã có những dấu hiệu về bắt đầu tan băng, bớt giá trong mối quan hệ này. Ông Biden tỏ ra lạc quan về khả năng sẽ gặp ông Tập Cận Bình vào tháng tới cho dù vẫn phải cài câu "chưa có gì được thu xếp cả".

Ông Tập Cận Bình vẫn chưa khẳng định sẽ tới Mỹ tham dự cuộc gặp cấp cao của APEC hay không, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sẽ đi Mỹ trước sự kiện lớn của APEC. Mới đây, thủ lĩnh phe đa số trong thượng viện Mỹ Chuck Schumer tới Trung Quốc cuối cùng cũng đã được ông Tập Cận Bình tiếp.

Tại cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình đã dùng những ngôn từ to tát và thống thiết đề cao mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, quả quyết mối quan hệ này là cặp quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới hiện đại, lại còn bộc lộ rõ ràng thiện chí cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ.

Một biểu hiện đáng chú ý khác nữa là Trung Quốc đã điều chỉnh mức độ phản ứng về cuộc chiến tranh hiện tại giữa Israel và lực lượng Hamas ở khu vực Trung Đông sau khi bị ông Schumer thôi thúc.

Xem ra, Trung Quốc và Mỹ tuy cạnh tranh chiến lược với nhau là cơ bản nhưng vẫn tranh thủ lẫn nhau, vẫn chủ định kiểm soát diễn biến quan hệ song phương. Qua đó còn có thể thấy, Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho những bước đi hòa giải mới nhằm giảm căng thẳng và bất hòa với nhau. Cho nên hiện có thể dự liệu được là ông Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ tham dự cuộc gặp cấp cao của APEC và sẽ có cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden.

Cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình đã không tới Ấn Độ tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của Nhóm G20 trong khi ông Biden tham dự. Cả hai người này còn đều không tới Indonesia để tham dự các cuộc gặp cấp cao của ASEAN với các nước đối tác. Nhưng APEC khác biệt với G20 hay khuôn khổ quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc.

So với hai khuôn khổ diễn đàn kia thì APEC quan trọng hơn nhiều đối với Trung Quốc, bao trùm nhiều đối tác hơn và lại ở khu vực địa lý động chạm trực tiếp tới lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

Cuộc gặp cấp cao của APEC năm nay do Mỹ tổ chức và diễn ra ở Mỹ nên Trung Quốc phải tận dụng nó để không cho Mỹ độc chiếm và chế ngự diễn đàn, đồng thời còn có thể biểu lộ thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ theo chiều hướng thế nào cũng được.

Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần đi vào giảm căng thẳng. Nhưng mọi cải thiện quan hệ song phương cho đến nay đều không ổn định và bền vững. Lần này, nếu có được, chắc cũng sẽ lại như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu bớt băng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.